Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Từ trước chuyến thăm, Tổng thống Nga V.Putin đã có bài viết, trong đó nhắc lại việc Hiệp ước Láng giềng hữu nghị và hợp tác Nga - Trung đã xác định các nguyên tắc cơ bản và phương châm chỉ đạo cho các nỗ lực chung của hai nước, đó là bình đẳng, xem xét đến lợi ích của nhau, thoát khỏi sự bó buộc của chính trị và ý thức hệ, không chịu ảnh hưởng từ quá khứ. Lập trường nhất quán và tương đồng trong giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực chính là cơ sở để Nga và Trung Quốc phối hợp chính sách đối ngoại.
Qua các trao đổi, đánh giá cao việc Nga ủng hộ nguyên tắc “Một Trung Quốc” - nguyên tắc ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Nga để hoạch định tương lai và định hướng cho quan hệ song phương trong hoàn cảnh lịch sử mới, theo đó thúc đẩy lòng tin và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực.
Hai bên cũng đạt nhất trí về sự phối hợp quốc tế giữa Nga và Trung Quốc, bày tỏ phản đối sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), kêu gọi khối này từ bỏ tâm lý “Chiến tranh Lạnh”. Tổng thống V.Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ phản đối việc hình thành các cấu trúc khối khép kín và phe đối lập ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng với các vấn đề chính trị, hai nhà lãnh đạo đã dành nhiều thời gian thảo luận về hợp tác kinh tế và thương mại - yếu tố nền tảng của quan hệ hai nước. Theo Thư ký báo chí Dmitry Peskov của Tổng thống Nga, mục tiêu mới đề ra về tăng kim ngạch thương mại song phương là 250 tỷ USD, cao hơn nhiều so với kỷ lục 146,8 tỷ USD đạt được trong năm 2021 nhờ tiêu thụ năng lượng và giá cả hàng hóa tăng. Trong 16 văn kiện hợp tác ký kết trong chuyến thăm lần này của phái đoàn Nga, nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga Rosneft PJSC và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã đạt thỏa thuận cung cấp 100 triệu tấn dầu cho Trung Quốc trong hơn 10 năm. Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cũng cam kết tăng cường cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, hướng tới ngưỡng 48 tỷ mét khối mỗi năm.
Kết thúc hội đàm, lãnh đạo hai nước đã thông qua tuyên bố chung "về quan hệ quốc tế bước vào kỷ nguyên mới và phát triển bền vững toàn cầu". Tuyên bố nhấn mạnh, tình hữu nghị giữa Nga và Trung Quốc "không có biên giới" và "không có vùng cấm" trong quan hệ hợp tác. Mátxcơva và Bắc Kinh cũng nhấn mạnh, hai nước ủng hộ việc hình thành “một kiểu quan hệ mới giữa các cường quốc trên thế giới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi”.
Theo giới quan sát, cuộc hội đàm diễn ra thuận lợi đã cho thấy, trong bối cảnh mâu thuẫn chính trị, quân sự gia tăng với phương Tây khiến Mátxcơva và Bắc Kinh tìm thấy ích lợi trong việc xích lại gần nhau. Anastasia Pyatachkova, chuyên gia tại Trường Kinh tế Cao cấp ở Mátxcơva cũng nhận định, những rào cản cấm vận đã trở thành tiền đề thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại Nga - Trung “tăng tốc”, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao vốn có nhiều nguy cơ gánh trừng phạt.
Cuộc trao đổi trực tiếp lần thứ 38 giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc thành công tốt đẹp đã giúp định hình rõ nét hơn các mối quan hệ quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Sự hợp tác chặt chẽ, toàn diện giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới với những thế mạnh mang tính bổ trợ lẫn nhau cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào sự ổn định của khu vực và toàn cầu.
Gửi phản hồi
In bài viết