Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư diễn ra ở thủ đô Damascus.
Đây là cuộc bầu cử tổng thống thứ hai tại Syria kể từ khi nước này rơi vào xung đột hồi tháng 3-2011. Trước đó, tại cuộc bầu cử diễn ra năm 2014, Tổng thống Bashar al-Assad nhận được gần 89% số phiếu bầu. Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này, Tổng thống Syria nhận được sự ủng hộ của 95,1% trong tổng số 14,2 triệu cử tri tham gia bầu cử. Điều đó cho thấy uy tín của nhà lãnh đạo này đã cải thiện trong thời gian vừa qua. Hai ứng cử viên còn lại là Abdallah Salloum Abdallah và Mahmud Ahmad Marei lần lượt nhận được 1,5% và 3,3% phiếu bầu.
Khẩu hiệu tranh cử lần này của Tổng thống Bashar al-Assad là “Hope through Work” (tạm dịch: Hy vọng thông qua công việc), thể hiện mong muốn từng bước xây dựng lại đất nước Syria vốn đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Mục tiêu trên cũng thể hiện rõ nét qua phát biểu của nhà lãnh đạo 55 tuổi trong buổi lễ nhậm chức diễn ra tại thủ đô Damascus. Chia sẻ trước hơn 600 khách mời, Tổng thống Bashar al-Assad khẳng định, cuộc bầu cử đã chứng minh sức mạnh của tính hợp pháp khi người dân tin tưởng vào Chính phủ, phản bác lại những tuyên bố của phương Tây về tính hợp pháp của Chính phủ đương nhiệm và Hiến pháp Syria.
Bước vào nhiệm kỳ mới, Tổng thống Bashar al-Assad nêu rõ nhiệm vụ trước mắt là giải phóng đất nước, chống khủng bố, thúc đẩy nền kinh tế và cải thiện sinh kế của người dân. Ông kêu gọi người Syria quay về quê hương, khẳng định Syria sẽ nỗ lực để vượt qua những khó khăn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Cùng với đó, Chính phủ Syria cũng sẽ đẩy mạnh việc ngăn chặn đại dịch Covid-19, tham gia hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế tại Syria.
Theo giới quan sát, Tổng thống Bashar al-Assad cùng Ban Lãnh đạo Syria đã đúng đắn khi ưu tiên vực dậy nền kinh tế và tái thiết đất nước. Đây là việc cần thiết trong bối cảnh Syria hơn 1 thập kỷ qua đã chứng kiến cuộc xung đột đẫm máu, khiến khoảng nửa triệu người thiệt mạng, gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng và làm cạn kiệt nền kinh tế. Khoảng một nửa dân số Syria phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh, hơn 80% người dân Syria đang sống dưới mức đói nghèo. Mặc dù bạo lực tới nay đã giảm đáng kể, nhưng nhiều khu vực của Syria đang nằm ngoài sự kiểm soát của Chính phủ trong khi quân đội nước ngoài và các nhóm vũ trang vẫn hiện diện trên lãnh thổ, đồng nghĩa nhiều phức tạp còn tiềm ẩn. Bên cạnh đó, Syria đang phải gánh chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Dù vậy, đã có nhiều ý kiến bày tỏ tin tưởng cuộc bầu cử sẽ mở ra một giai đoạn tốt đẹp hơn cho Syria. Chiến thắng lần này sẽ giúp Tổng thống Bashar al-Assad khẳng định vị trí lãnh đạo các cuộc đàm phán chính trị đại diện cho quốc gia Trung Đông sau khi giao tranh trên thực địa kết thúc. Nhiều chuyên gia cũng kêu gọi Chính phủ Syria và phe đối lập cần nhanh chóng thu hẹp các khác biệt và xây dựng lòng tin trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết, từ đó thúc đẩy đàm phán với sự trung gian của quốc tế nhằm tìm giải pháp chính trị toàn diện cho Syria.
Có thể thấy, cuộc bầu cử tổng thống năm 2021 đã mang lại luồng sinh khí mới cho Syria. Sự kiện trên không chỉ củng cố uy tín cho Chính phủ Syria mà còn mở ra cơ hội vực dậy nền kinh tế vốn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Gửi phản hồi
In bài viết