Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Ngày 23/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres rời Thủ đô Hà Nội, kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-22/10.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã có nhiều hoạt động quan trọng như đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch; đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; dự lễ đón chính thức, hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Tại buổi tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc António đến chào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao chuyến thăm của Tổng Thư ký António Guterres, đặc biệt đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc, có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ giữa Việt Nam và Liên hợp quốc hiện đang phát triển tốt đẹp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vai trò quan trọng của Liên hợp quốc trong đời sống quốc tế, là tổ chức toàn cầu lớn nhất, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bảo vệ hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển, thúc đẩy hợp tác bảo đảm quyền con người, trung tâm của hoạt động hợp tác quốc tế. Việt Nam coi Liên hợp quốc là đối tác quốc tế quan trọng; hợp tác với Liên hợp quốc là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Trong hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, sau lễ đón chính thức, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, lấy người dân làm trung tâm, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trở thành mô hình thành công để các quốc gia khác học tập.
Tổng Thư ký khẳng định Liên hợp quốc sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam; kỳ vọng Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò, vị thế, đóng góp trong giải quyết các vấn đề toàn cầu; ủng hộ Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò chủ nhà, chủ trì tổ chức các sự kiện, hội nghị quốc tế lớn về biển và đại dương thời gian tới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương, ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu và điều phối dẫn dắt các nỗ lực đa phương, giải quyết các thách thức chung; khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp hết sức mình cho công việc chung của Liên hợp quốc, vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững trên thế giới.
Trao đổi về các vấn đề hợp tác cụ thể, Chủ tịch nước đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19, tư vấn xây dựng chính sách huy động nguồn lực quốc tế trong triển khai chiến lược phục hồi dài hạn theo hướng xanh, bền vững, tự cường hơn, thực hiện hiệu quả các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977-20/9/2022), Tổng Thư ký António Guterres cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong cho những giá trị mới để có thể gìn giữ một tương lai an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu; để không bỏ lại ai ở phía sau...
Tổng Thư ký Liên hợp quốc hoan nghênh Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ việc đẩy nhanh giảm điện than, khởi động cuộc cách mạng về năng lượng tái tạo và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; cho rằng Việt Nam cần được hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và xanh hóa nền kinh tế.
Tại các cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Tổng Thư ký Liên hợp quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam đánh giá cao chuyến thăm của Tổng Thư ký António Guterres; cảm ơn Liên hợp quốc đã luôn đồng hành cùng Việt Nam trên mọi chặng đường phát triển. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, sự hỗ trợ của Liên hợp quốc đã giúp Việt Nam sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao vai trò và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định hoàn toàn ủng hộ những trụ cột chính trong đường lối phát triển đất nước của Việt Nam.
Nhân dịp này, hai bên bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực của đại dịch, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, tình hình lạm phát và nhấn mạnh để giải quyết các thách thức này, trong đó có kiểm soát lạm phát, cần có sự chung tay của các nước trên thế giới... Lãnh đạo Việt Nam đánh giá cao những sáng kiến, nỗ lực của Liên hợp quốc và cá nhân Tổng Thư ký António Guterres trong thúc đẩy tìm kiếm giải pháp đối với các vấn đề này.
Hai bên cũng nhất trí việc gia tăng hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc, coi trọng vai trò của ASEAN, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, tại Học viện Ngoại giao, Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì buổi nói chuyện chủ đề “Đổi mới sáng tạo và sự tham gia của thanh niên vì một tương lai bền vững và bao trùm” với gần 400 lãnh đạo trẻ, thanh niên Việt Nam đến từ các cơ quan Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực thanh niên, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, lực lượng tham gia Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và sinh viên một số trường đại học tại Hà Nội.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết ấn tượng mạnh mẽ nhất với ông chính là tinh thần tiên phong, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm và cam kết phụng sự của thanh niên Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã tới thăm Tòa nhà xanh Một Liên hợp quốc, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long và hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn (Hà Nội).
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres là chuyến thăm thứ tư của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (trước đó là các chuyến thăm của Tổng Thư ký Boutros Ghali (năm 1993); Tổng Thư ký Kofi Annan (tháng 5/2006); Tổng Thư ký Ban Ki-moon (tháng 5/2015).
Chuyến thăm đã kết thúc thành công rất tốt đẹp, qua đó tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa Liên hợp quốc với Việt Nam trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết