(Ảnh minh họa: VINFAST)
Dựa trên cơ sở những kết quả đạt được khi thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế thuế tiêu thụ đối với ô-tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã nghiên cứu soạn thảo Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2021 bảo đảm phù hợp với quy định của Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Trong năm 2021, tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Cho đến nay, dịch bệnh đã lây lan nhanh chóng ra hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước với số lượng ca nhiễm mới tăng nhanh kỷ lục, đặc biệt gây hậu quả khó khăn đối với các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội…
Theo đó, ngày 17/11/2021, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 213/TTr-BTC trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Cụ thể, quy định mới sẽ áp dụng trong phạm vi thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước; cơ quan thuế; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Về thời gian gia hạn: đề xuất cho kỳ tính thuế tháng 10 và tháng 11/2021 đối với ô-tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2021 chậm nhất là ngày 20/12/2021.
Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 11/2021 chậm nhất là ngày 30/12/2021.
Tổng cục cũng quy định đối với một số trường hợp như: trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn, dẫn đến làm tăng số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp, và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn, thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.
Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật hiện hành, thì chưa phải nộp số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh trên Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt đã kê khai.
Trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế tiêu thụ đặc biệt riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc, thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp ô-tô, thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (bằng phương thức điện tử, hoặc gửi bản giấy trực tiếp đến cơ quan thuế, hoặc gửi qua đường bưu chính) cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định pháp luật về quản lý thuế.
Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt, thì thời hạn nộp Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt chậm nhất là ngày 15/12/2021, cơ quan thuế vẫn thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Điều 3 Nghị định này.
Người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn bảo đảm đúng đối tượng được gia hạn theo Nghị định này.
Nếu người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho cơ quan thuế sau ngày 15/12/2021, thì không được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Nghị định này.
Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trường hợp trong thời gian gia hạn, cơ quan thuế có cơ sở xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn, thì cơ quan thuế có văn bản thông báo cho người nộp thuế về việc dừng gia hạn, và người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Nghị định này, thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp do cơ quan thuế xác định lại vào ngân sách nhà nước.
Trong thời gian được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, căn cứ Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn.
Bao gồm cả trường hợp Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt gửi cơ quan thuế sau khi đã nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt chậm nhất là ngày 15/12/2021
Trường hợp, cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp đối với các hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định tại Nghị định này, thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh lại không tính tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đánh giá tác động của Dự thảo nghị định, Tổng cục Thuế cho biết, theo phương án đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ kỳ tính thuế tháng 10 đến kỳ tính thuế tháng 11, tổng số tháng sẽ gia hạn là 2 tháng, theo đó, tổng số thuế được gia hạn khoảng 4.400 tỷ đồng.
*Cục thuế thành phố Hà Nội hỗ trợ kịp thời cho hơn 200 vướng mắc của người nộp thuế trên địa bàn
Theo thông tin từ Cục thuế thành phố Hà Nội, tháng 11, Cục Thuế Hà Nội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến trên website lần thứ 2 với chủ đề “Cục Thuế thành phố Hà Nội tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19” để tiếp tục và kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Hội nghị trực tuyến đã tiếp nhận 205 vướng mắc được gửi đến.
Chương trình hỗ trợ trực tuyến được cộng đồng người nộp thuế hưởng ứng và đánh giá cao khi đã kịp thời giải đáp các vướng mắc mà vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo tổng hợp nhanh, gần 100% số câu hỏi đã được phản hồi trên website, các vướng mắc của doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số vướng mắc đã được Cục Thuế tiếp nhận.
Đối với các vướng mắc vượt quá thẩm quyền, Cục Thuế sẽ tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyển tháo gỡ kịp thời.
Riêng nội dung triển khai hóa đơn điện tử khi số lượng câu hỏi liên quan đến nội dung này chiếm đến gần 50% tổng số câu hỏi gửi đến, và đã được nhanh chóng giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ cho doanh nghiệp người nộp thuế.
Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa để giảm thiểu thay đổi khi áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới, tạo sự an tâm cho người nộp thuế, từ đó đồng thuận với cơ quan thuế, cùng ngành thuế triển khai thành công hóa đơn điện tử.
Gửi phản hồi
In bài viết