"Trái ngọt" của nông nghiệp

- Năm 2020 nông nghiệp của huyện Yên Sơn đã gặt hái được “trái ngọt”, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát triển vùng chuyên canh cây trồng mũi nhọn

Ông Nguyễn Văn tình, Trường Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết,thời gian qua, UBND huyện đã tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, phát huy lợi thế, tiềm năng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa theo từng vùng.

Với trên 1.000 cây bưởi Soi Hà và bưởi Diễn, gia đình ông Đặng Văn Túc, thôn 8, xã Quý Quân đã thu được trên 1 tỷ đồng năm 2019. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 nên giá bưởi thấp hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, vườn bưởi của gia đình cũng đã được thương lái đặt mua với giá 600 triệu đồng.

Đồng chí Bàn Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã Quý Quân cho biết, toàn xã hiện có 307 ha cây ăn quả, trong đó có tới 294 ha bưởi, còn lại là na, cam, quýt và nhãn, tập trung chủ yếu ở thôn 5, 6 và 7. Từ trồng cây ăn quả, hộ thu nhập ít cũng vài chục triệu đồng, hộ nhiều từ 400 đến 700 triệu đồng/năm. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 45,4% năm 2016, đến nay chỉ còn 6,9%.

Toàn huyện hiện nay co 4.960 ha cây ăn quả với cây các loại: bưởi, nhãn, vải, cam, quýt. Trong đó, diện tích cây bưởi là 4.090 ha, diện tích đang cho thu hoạch là 3.000 ha, tập trung tại các xã: Phúc
Ninh, Xuân Vân, Thắng Quân, Tứ Quận, Lực Hành, Quý Quân, Trung Trực…


Người Dao thôn 7, xã Quý Quân thoát nghèo nhờ cây bưởi.

Ngoài 2 nhãn hiệu bưởi ngọt Soi Hà, bưởi Phúc Ninh, huyện Yên Sơn có thêm 2 nhãn hiệu bưởi VietGAP Lực Hành và bưởi chuyển đổi hữu cơ Phúc Ninh. Bên cạnh cây bưởi – cây trồng chủ lực, trong năm qua, cây chè đã phát triển diện tích và nâng cao chất lượng, sản lượng. Hiện nay, diện tích chè của toàn huyện là 2.685 ha; năng suất đạt bình quân trên 10,4 tấn/ha. Các hộ dân đã mạnh dạn cải tạo những diện tích chè cằn cỗi, năng suất thấp bằng việc đưa các giống chè năng suất sản lượng cao vào thâm canh như các giống chè PH1, LDP1, LDP2, chè Bát Tiên, Ngọc Thúy.

Huyện Yên Sơn tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm chè tại 8 xã vùng quy hoạch gồm: Tứ Quận, Mỹ Bằng, Phú Lâm, Thắng Quân, Lang Quán, Phúc Ninh, Tiến Bộ, Đội Bình. Đồng thời tập trung cải tạo trồng lại và chăm sóc những vùng chè năng suất thấp bằng những giống chè lai, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa

Cùng với phát triển các cây trồng chủ lực, UBND huyện đã chỉ đạo tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho nhiều sản phẩm hàng hóa. Qua đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, giá trị hàng hóa.

Năm 2020, UBND huyện đã thực hiện chuẩn hóa đăng ký nhãn hiệu đặc sản Na dai Lực Hành,  nâng số sản phẩm đã được cấp chứng nhận hàng hóa lên 17 sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và quảng bá các thương hiệu sản phẩm hàng hóa đã được cấp chứng nhận như: Rượu gạo men lá Tiến Huy xã Hùng Lợi, miến dong Hợp Thành; miến dong Hảo Hán xã Nhữ Hán, bưởi đặc sản Phúc Ninh xã Phúc Ninh; rượu chín chum, bưởi đường Xuân Vân, hồng ngâm Xuân Vân; gà chất lượng cao, chè Bát tiên, chè Tháng 10, trứng gà sạch Bùi Hùng, táo sạch Yến Minh, chè Ngọc Thúy Sử Anh, xã Mỹ Bằng; nhãn Bình Ca, mật ong Bình Ca, xã Thái Bình; rượu men lá ATK, xã Phú Thịnh.

Để từng bước chuẩn hóa các sản phẩm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã xây dựng kế hoạch đăng ký sản phẩm OCOP đối với 31 sản phẩm. Đến nay, huyện đã có 16 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP với 4 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại đạt 3 sao.

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng cho biết: “OCOP là chương trình quốc gia đang được triển khai sâu rộng, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân phát triển sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Lần đầu tiên tham gia, HTX có 7 sản phẩm chè với 4 sản phẩm đạt 4 sao gồm: Trà Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy đinh, chè xanh Ngọc Thúy nõn; 3 sản phẩm đạt 3 sao gồm: chè xanh Phú Lâm, chè xanh Phú Lâm đinh, chè xanh Phú Lâm nõn. Đây là động lực, cơ hội để HTX quảng bá sản phẩm, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ toàn quốc và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới”.

Năm 2020 đã khép lại với những nỗ lực của ngành nông nghiệp huyện. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 6,14%. Trong năm tiếp theo, để phát huy tiềm năng, giá trị ngành nông nghiệp, UBND huyện chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao quy trình canh tác tiên tiến, nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên canh, quy mô lớn và phát triển bền vững.

Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục