Nắm bắt được nhu cầu này, không ít người đã lên mạng xã hội rao bán các sản phẩm nói trên với các mệnh giá khác nhau. Điều đáng nói, những mặt hàng được tiếp thị qua mạng xã hội, được giới thiệu là “hàng xách tay”, có người từ nước ngoài mang về, nằm ngoài danh mục cho phép được lưu hành của Bộ Y tế, nhưng vẫn được mua bán công khai.
Mạng xã hội, mà nhiều nhất là Facebook cá nhân đã đăng bán công khai các loại thuốc điều trị Covid-19, hàng xách tay từ Nga, Ấn Độ hoặc Pháp với đầy đủ các dạng và dùng cho mọi lứa tuổi, có cả thuốc điều trị cho trẻ em… Nhiều F0, dù biết những loại thuốc này chưa được phép lưu hành, nhưng vì tin vào “sản phẩm xách tay từ châu Âu” nên đã bỏ tiền triệu ra để mua về uống. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn mua cả thuốc dành cho trẻ em (dạng viên nén, pha nước hoặc siro) để tự điều trị cho con cái của mình.
Sau 2 lần test nhanh (mỗi lần test cách nhau 8h) chị N. T. H, thị trấn Na Hang (Na Hang) có kết quả dương tính với Covid-19). Chị đã thông báo với Trạm Y tế thị trấn và được chỉ định cách ly, theo dõi tại nhà. Trong quá trình theo dõi sức khỏe tại nhà, chị được cán bộ y tế hướng dẫn thường xuyên tự theo dõi sức khỏe, tăng cường bổ sung các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng. Tuy nhiên, vì sốt ruột, nên chị H đã lên mạng tìm mua các loại thuốc điều trị để sử dụng. Chị H chia sẻ, thấy trên mạng rao bán các mặt hàng điều trị Covid-19 “xách tay” của Nga, Trung Quốc về Việt Nam với quảng cáo các thuốc này có khả năng phòng, chống lây nhiễm, điều trị hiệu quả và phòng ngừa các biến chứng hậu Covid-19. Sau khi mua được 3 hộp Arbidol của Nga với giá bán gần 1,3 triệu đồng, chị H. sử dụng theo hướng dẫn của người bán hàng: Mỗi ngày chị uống 4 viên, đồng thời, cho những người trong gia đình chưa bị nhiễm mỗi ngày uống 1 viên để phòng Covid-19.
Đội Quản lý thị trường số 1, kiểm tra việc bán thuốc điều trị Covid-19 trên địa bàn huyện Yên Sơn.
Không chỉ các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà, mà nhiều người dân dù chưa bị nhiễm cũng tự mua các loại thuốc ngừa Covid -19 theo những lời quảng cáo trên mạng để sử dụng hàng ngày.
Ông Hà Duy Quyền, tổ 17, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết: Theo lời giới thiệu của người quen, ông đã mua được 5 hộp thuốc Liên Hoa Thanh Ôn của Trung Quốc và sử dụng theo hướng dẫn của người bán. Khi chưa mắc thì ngày uống 2 viên chia 2 lần; khi đã bị nhiễm thì ngày uống 6 viên chia 2 lần… Vì thấy thời gian gần đây, tình hình dịch ngày càng có những diễn biến phức tạp, xung quanh nhà ông đã có rất nhiều người mắc, nên ông mua để phòng cho bản thân, mặc dù ông cũng đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Trước thực trạng này, Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang đang phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh triển khai công tác thanh, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuốc, vật tư y tế và bán hàng qua mạng xã hội. Ông Hoàng Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang khuyến cáo người dân cần cảnh tỉnh trước những lời quảng cáo trên môi trường mạng Internet về thuốc điều trị Covid-19. Bởi hiện nay, phương án phòng chống Covid-19 tối ưu nhất chính là 5K + vaccine.
Bác sỹ Lê Đào Bích, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Dược, Sở Y tế cho biết, để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa việc mua bán, sử dụng thuốc, trang thiết bị y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày 15-2-2022, Sở Y tế đã có văn bản 330/SYT-NVYD yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện một số nội dung như: Thực hiện nghiêm các quy định về hoạt động kinh doanh thuốc, thiết bị y tế; chỉ được mua, bán các thuốc, trang thiết bị y tế có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được cơ quan có thẩm quyền cấp số đăng ký, có giấy phép kinh doanh; không được lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ, tăng giá thuốc, thiết bị y tế nhất là thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19…
Ngành y tế cũng khuyến cáo, những trường hợp người bệnh mắc Covid-19 thì cần được theo dõi chặt chẽ để có sự hướng dẫn tốt nhất về chuyên môn. Người dân không tự ý dùng thuốc hoặc nghe theo lời mách bảo của những người bán hàng không có chuyên môn, có thể vừa mất tiền vừa có hại nếu dùng sai. Theo đó, với những người là F0 nếu không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ thì có thể không cần phải uống thuốc. Tốt nhất với các trường hợp này là nhanh chóng kết nối với các bác sỹ, y tế cơ sở, y tế địa phương để các nhân viên y tế căn cứ tình hình thực tế của từng bệnh nhân và đưa ra hướng dẫn.
Gửi phản hồi
In bài viết