Dư luận đặt câu hỏi: tại sao tổ chức đảng lẽ ra phải đưa ra những quyết nghị sáng suốt để từ đó lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị; phải là nơi hội tụ ý chí và niềm tin; phải là nơi gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước lại trở thành đối tượng bị kỷ luật? Phải chăng sức đề kháng, tính đấu tranh trong một bộ phận tổ chức đảng đang có vấn đề, ảnh hưởng tới khả năng tự phát hiện, tự loại trừ những biểu hiện sai phạm trong nội bộ?
Điều đáng lo ngại là trong nhiều vụ việc bị xử lý thời gian qua, tổ chức đảng đã bị người đứng đầu hay một nhóm cán bộ chủ chốt thao túng, dẫn dắt tới chỗ sai phạm. Nên những sai phạm có quá trình diễn ra trong thời gian không ngắn, nhưng tổ chức đảng gần như không có sức đề kháng để tự phát hiện, ngăn chặn những vi phạm. Thậm chí, trở thành công cụ, thành bình phong cho các sai phạm.
Từ đó nguyên tắc tập trung dân chủ trở thành hình thức, bị bóp méo, nguyên tắc tự phê bình và phê bình bị vô hiệu hóa, công tác kiểm tra, giám sát cũng không phát hiện ra các sai phạm.
Hậu quả không chỉ mất cán bộ, hỏng tổ chức mà nguy hại hơn là làm mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Trong Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Chính vì vậy, nêu cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng chính là việc làm thường xuyên, liên tục; đồng thời nêu cao vai trò kiểm tra giám sát của cấp ủy cấp trên và phát huy tai mắt của nhân dân. Có như vậy mới tránh cho tổ chức đảng không bị mất sức chiến đấu, sức đề kháng trước những sai phạm, để Đảng luôn là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của Nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết