Đại diện Ban Tổ chức trao giải cho các tác giả đạt giải.
Tham dự lễ trao giải, có PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, cùng lãnh đạo các hội nghệ thuật và đông đảo văn nghệ sĩ tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc thi của Thời báo Văn học nghệ thuật, đồng thời gửi lời cảm ơn đến các tác giả, Ban Giám khảo đã tham gia, đồng hành cùng cuộc thi, cũng như đã dành tình cảm yêu mến cho Thời báo Văn học nghệ thuật.
Ông Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh: “Tôi đánh giá rất cao ý thức về mặt chính trị, ý thức tôn trọng truyền thống, mong muốn tri ân các thế hệ văn nghệ sĩ của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Việc tìm hiểu về lịch sử ra đời và phát triển của Liên hiệp là việc làm có ý nghĩa, bởi qua cuộc thi này, Thời báo Văn học nghệ thuật đã ghi dấu ấn của mình bằng việc làm hướng tới công chúng, xã hội. Đồng thời tôn vinh, tri ân các thế hệ văn nghệ sĩ nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp”.
Tổng kết cuộc thi, Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật Hoàng Dự, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: Sau gần 2 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 1.053 bài dự thi của 1.256 tác giả/nhóm tác giả dự thi từ khắp các vùng miền trong cả nước, trong đó có cả người nước ngoài tham dự.
Đối tượng dự thi có sự đa dạng về nghề nghiệp, lứa tuổi, bao gồm các văn nghệ sĩ, nhà quản lý văn học nghệ thuật, tập thể giáo viên, tập thể đơn vị lực lượng vũ trang, tập thể câu lạc bộ cựu nhà báo, tập thể câu lạc bộ nữ doanh nhân, trong đó có những gia đình có 2 đến 3 người dự thi.
Cuộc thi đã giúp các văn nghệ sĩ và công chúng có thêm những thông tin, kiến thức và tìm hiểu về lịch sử ra đời và truyền thống vẻ vang của Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - nơi tập hợp các văn nghệ sĩ yêu nước, chung sức, chung lòng xây đắp nền văn hoá, văn nghệ nước nhà.
Đây cũng là hình thức tôn vinh những đóng góp tài năng, trí tuệ, công sức của các bậc tiền bối, nhất là sự hy sinh xương máu của các văn nghệ sĩ liệt sĩ trong các cuộc trường kỳ kháng chiến oai hùng nhưng không ít đau thương, mất mát của dân tộc.
Ông Oh Duk, chuyên gia văn hóa người Hàn Quốc tham gia gửi bài đến cuộc thi cho biết, trong quá trình tìm kiếm tư liệu để làm bài thi, ông đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng bằng tình yêu văn hoá Việt Nam, ông vẫn cố gắng tham gia cuộc thi với hy vọng có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận nhiều tư liệu quý về một tổ chức văn hóa, văn học nghệ thuật lớn ở Việt Nam.
Kết quả, Giải Nhất được trao cho tác giả Trần Thị Bích Hải (Hà Nội); 2 Giải Nhì thuộc về các tác giả Đào Thị Tám (Lai Châu) và Hồ Nam Liên (Hà Nội); 3 Giải Ba được trao cho các tác giả: Mã Duy Anh (Hà Nội), Nguyễn Hạnh An (Nha Trang), Lê Tuấn Lộc (Hà Nội).
Bên cạnh đó là 8 Giải Khuyến khích cùng các giải thưởng: Người cao tuổi nhất; Người ít tuổi nhất; Tập thể có đông người tham gia nhất… để ghi nhận sự nhiệt tình, tâm huyết của một số tập thể, cá nhân tham gia cuộc thi.
Gửi phản hồi
In bài viết