Tuy nhiên, hiện trong cán bộ, đảng viên ta còn có những người sợ trách nhiệm. Tình trạng này không còn mang tính cá biệt mà đang diễn ra ở nhiều nơi, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến các vụ án, đại án đã và đang được điều tra, xét xử.
Bệnh sợ trách nhiệm thể hiện ở cách làm việc cầm chừng, không muốn cải tiến mà chỉ làm theo nếp cũ. Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát chính kiến, không dám quyết đoán, ỷ lại và chờ đợi cấp trên một cách thụ động.
Người sợ trách nhiệm cũng thường dựa dẫm vào tập thể dù đó là việc thuộc phạm vi giải quyết của chính mình, ngại “va chạm” không dám phê bình, đấu tranh chống tiêu cực…
Thế nên mới khiến cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ. Thế nên mới làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời. Từ đó sẽ dẫn đến không hoàn thành kế hoạch năm, làm mất nhiều cơ hội tốt và cản trở sự phát triển.
Từ nửa thế kỷ trước, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết bài báo “Bệnh sợ trách nhiệm”, với những lập luận sắc bén, chắc chắn, luận chứng luận cứ mang giá trị thực tiễn cao, rõ ràng, rành mạch và giàu sức thuyết phục. Khi ấy, Tổng Bí thư là một phóng viên, biên tập viên có tuổi đời và tuổi nghề chưa nhiều, nhưng bài chính luận hoàn chỉnh, đầy uy lực ấy vẫn còn thời sự đến hôm nay.
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định tạm thời về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, nhằm khích lệ, tin tưởng, tôn trọng, tạo động lực, điều kiện và môi trường chủ động đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung; đồng thời có biện pháp kịp thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, an toàn của cán bộ.
Do vậy, mỗi tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận diện rõ các biểu hiện, nguyên nhân của bệnh sợ trách nhiệm, soi chiếu với việc thực hiện nhiệm vụ của bản thân, tổ chức mình, để loại bỏ bệnh này, tích cực đổi mới dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung.
Căn bệnh vẫn đang đe dọa và có nguy cơ tiếp tục hoành hành nếu không nhận diện và loại bỏ nó.
Gửi phản hồi
In bài viết