Toàn cảnh Hội nghị
Ngày 26/4, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm: Quyết định số 333/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 343/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Nguyễn Ngọc Thành cho biết: Để triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản, cũng như phối hợp giải quyết một số vấn đề còn tồn tại, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, hiệu đính, cập nhật các nội dung trong quá trình triển khai quy hoạch; bảo đảm không làm thay đổi mục tiêu, định hướng tổng quát của quy hoạch; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản; chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch khoáng sản; góp ý hoàn thiện các cơ chế, chính sách và pháp luật của nhà nước về khoáng sản.
Theo Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương) Nguyễn Việt Sơn, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia yêu cầu bảo đảm tính tuân thủ, kế thừa các Nghị quyết, chương trình hành động, các quy hoạch ngành và kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành liên quan đã được phê duyệt; không hợp thức hóa các sai phạm đối với các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc đã quyết định đầu tư.
Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than Nguyễn Việt Sơn báo cáo tại hội nghị.
Bên cạnh đó, kế hoạch này cũng yêu cầu bảo đảm phát triển tối ưu tổng thể các yếu tố khai thác, sản xuất, phân phối, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với không gian và lợi thế so sánh của các vùng, địa phương; tiếp tục thúc đẩy phát triển khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với xuất, nhập khẩu hợp lý; phát triển năng lượng đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường, sinh thái; coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng.
Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển năng lượng bền vững trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường đối với các loại năng lượng; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng năng lượng và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, địa phương.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Công thương) Bùi Huy Sơn chia sẻ, theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, cần bảo đảm hạ tầng dự trữ dầu thô, nguyên liệu và sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến xăng dầu đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030 và 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030.
Dự trữ quốc gia cần bảo đảm sức chứa từ 500.000-1 triệu m3 sản phẩm xăng dầu và 1-2 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 15-20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030; bảo đảm sức chứa từ 500.000-800.000 m3 sản phẩm xăng dầu và 2-3 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 25-30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030.
Về khí đốt, chúng ta cần bảo đảm hạ tầng dự trữ đối với LPG sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021-2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030; đối với LNG đạt 20 triệu tấn/năm giai đoạn 2021-2030 và tới 40 triệu tấn/năm giai đoạn sau năm 2030.
Để tổ chức thực hiện thành công các Kế hoạch vừa được phê duyệt, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Công thương và các bộ, ngành Trung ương sẽ cùng phối hợp nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách liên quan, bảo đảm đủ mạnh, đồng bộ, khả thi, nhất là chính sách liên quan tới các cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, giá khí và các cơ chế gắn hoạt động thăm dò, khai thác đồng bộ, liên kết với đầu tư chế biến khoáng sản,… nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản.
Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp các bên liên quan tập trung xây dựng, triển khai có hiệu quả các Chương trình quốc gia về khoa học-công nghệ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành năng lượng và khai khoáng, nhất là trong các ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí và nhân lực kỹ thuật tay nghề cao vận hành máy móc, thiết bị khai thác chế biến khoáng sản nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới và nâng cao năng suất, chất lượng khai thác, chế biến các loại khoáng sản.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương chủ động chỉ đạo rà soát, cập nhật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các nội dung liên quan của quy hoạch tỉnh để bảo đảm phù hợp với các Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản; rà soát, cập nhật các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành của địa phương (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng), bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, làm cơ sở tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư về năng lượng và khai khoáng theo quy định của pháp luật.
Các địa phương cần tổ chức lựa chọn chủ đầu tư tự thực hiện các dự án năng lượng, khoáng sản trên địa bàn được đề ra trong các Kế hoạch theo phân cấp quản lý và đúng quy định, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm; quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho các Quy hoạch năng lượng và khoáng sản; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân, tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai cho các dự án theo quy định.
Bộ trưởng cũng đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty năng lượng, khoáng sản (như EVN, PVN, TKV, Hóa chất, Xăng dầu, PVGas,…) và các hiệp hội ngành nghề tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong kế hoạch; đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách khả thi và tích cực tham gia góp ý với các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các quy định, chính sách liên quan đến lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, vừa tăng cường sự quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp;
Các doanh nghiệp cần chủ động đề xuất và nỗ lực triển khai các dự án đầu tư được đề ra trong các các kế hoạch, nhất là các dự án phát triển năng lượng quy mô lớn, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt và các dự án đầu tư mới chế biến các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học kỹ thuật, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Gửi phản hồi
In bài viết