Dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ và một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Trong năm 2023, các hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội đã được thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới, toàn diện, đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục được tăng cường; hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới từ giải quyết các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện; hoạt động giám sát lại được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa. Việc xem xét các báo cáo được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được thảo luận kỹ với nhiều yêu cầu đổi mới theo hướng trọng tâm, tập trung vào các vấn đề lớn, quan trọng, nêu bật được các vấn đề cụ thể.
Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ngày càng được tăng cường, trở thành hoạt động thường xuyên. Hội đồng dân tộc, các ủy ban, các đoàn đại biểu Quốc hội đã chủ động cải tiến, đổi mới hoạt động giám sát nhằm thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Về thực hiện chương trình giám sát năm 2024, Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023” và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”; tổ chức 2 phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, kỳ họp thứ 8.
Đồng thời Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian nghiên cứu, xem xét các báo cáo theo quy định; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát lại; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong các hoạt động giám sát. Đồng thời trao đổi, thống nhất về nhận thức, nội dung, công tác phối hợp, các biện pháp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024, góp phần đưa các chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm có hiệu quả cao, đáp ứng sự mong mỏi của người dân và cử tri cả nước.
Đồng chí Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: Năm 2023 Đoàn đã chủ động, triển khai thực hiện nghiêm túc 4 cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Đoàn chủ trì tổ chức giám sát khảo sát đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề dân sinh bức xúc ở địa phương, giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân và việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Đoàn cũng đã đề xuất các nội dung chất vấn và được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa vào nội dung chất vấn tại các kỳ họp.
Trong hoạt động giám sát tại địa phương Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh gặp một số khó khăn như: Phương thức giám sát chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo, hoạt động khảo sát thực tế việc thực hiện cụ thể chưa nhiều, một số cuộc giám sát mang tính chuyên môn sâu, phạm vi giám sát rộng nhưng chất lượng còn hạn chế do năng lực và kinh nghiệm của đại biểu và thành viên Đoàn Giám sát đối với lĩnh vực được giám sát chưa đáp ứng. Công tác tái giám sát còn ít; việc thực hiện kết luận sau giám sát của một số đơn vị còn hạn chế...
Đề xuất một số giải pháp thực hiện hoạt động giám sát năm 2024, đồng chí Ma Thị Thúy đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong hoạt động giám sát.
Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong việc điều hòa, phối hợp trong hoạt động giám sát kịp thời và hiệu quả, tránh chồng chéo và trùng lắp nội dung. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, xây dựng các quy trình để từng bước chuẩn hóa hoạt động giám sát bám sát theo quy định của Luật và hướng dẫn để đảm bảo bài bản, khoa học, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệttiếp tục chú trọng theo dõi việc thực hiện các kết luận giám sát, tái giám sát, chất vấn, tái chất vấn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sau giám sát.
Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát; quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giám sát cho đại biểu Quốc hội và đội ngũ công chức giúp việc để nâng cao chất lượng giám sát...
Gửi phản hồi
In bài viết