Triển lãm ảo: Không có rào cản về địa lý

Nhiều thập niên trước, người đồng sáng lập Microsoft Bill Gates nói: “Internet đang trở thành quảng trường cho ngôi làng toàn cầu của ngày mai”. “Quảng trường” đó hiện có nhiều thương hiệu từ nhỏ đến lớn, và cả những bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật cao cấp. Điều này mở ra cơ hội bình đẳng cho các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới.

Nhiều họa sĩ lựa chọn triển lãm số thay thế cho phòng tranh truyền thống.

Xu hướng của thế giới

Mặc dù đã lên mạng từ lâu song các phòng trưng bày trực tuyến chỉ thực sự thu hút sự chú ý và có bước phát triển nhảy vọt kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19. Và cũng từ đó, quan điểm của giới nghệ sĩ về trưng bày ảo cũng thay đổi rất nhiều. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, 51% số người được hỏi sẵn sàng tổ chức triển lãm ảo vì chi phí thấp hơn so với khi tổ chức các sự kiện trực tiếp; 20% tin rằng việc tổ chức triển lãm ảo tiết kiệm thời gian hơn.

Magda Sawon, giám tuyển của phòng trưng bày Postmasters, phòng tranh có lịch sử từ năm 1984 tại New York, nơi chuyên giới thiệu các nghệ sĩ mới nổi, cho rằng: “Khái niệm phòng triển lãm trực tuyến đã tồn tại kể từ khi trang web ra đời. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đó chỉ là hoạt động tiếp thị, quảng bá không có chủ đích”. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng không thể đánh giá nghệ thuật qua những bức ảnh trên mạng.

Song hiện nay, cùng với xu hướng bán hàng trực tuyến tăng vọt, việc mua tác phẩm nghệ thuật qua mạng đã trở nên phổ biến. Việc xuất hiện các sàn thương mại trực tuyến chuyên về nghệ thuật như Artsy, các nhà đấu giá như Paddle8... đã giúp nghệ thuật dễ dàng tiếp cận khách hàng và khán giả, không gặp phải rào cản về địa lý. Các nhà đấu giá lớn cũng bắt đầu tổ chức các đợt bán hàng trực tuyến thường xuyên.

Một số phòng trưng bày cho biết, hơn một nửa doanh số bán hàng của họ đến từ dịch vụ trực tuyến. Ngày càng có nhiều nghệ sĩ sẵn sàng bỏ qua các phòng trưng bày truyền thống, quyết định đưa tác phẩm của họ lên mạng. Việc làm chủ một phòng tranh trực tuyến giúp nghệ sĩ cảm thấy thoải mái hơn nhiều vì họ có thể bỏ qua những người môi giới.

Những “ông trùm” trưng bày ảo

Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội, việc đưa tác phẩm nghệ thuật lên không gian mạng là không có giới hạn. Tuy nhiên, để gây được sự chú ý, các nghệ sĩ vẫn cần tìm đến những “ông trùm” trong lĩnh vực này nhằm tìm kiếm cơ hội triển lãm và bán tác phẩm một cách tốt nhất.

Fine Art America là thị trường nghệ thuật trực tuyến lớn nhất thế giới và là công ty công nghệ in theo yêu cầu. Họ đã giúp các nghệ sĩ bán tác phẩm nghệ thuật cùng các sản phẩm khác kể từ năm 2006 và là “ngôi nhà” của hàng trăm nghìn nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế đồ họa, họa sĩ minh họa và các thương hiệu toàn cầu. Ngoài việc cung cấp thị trường trực tuyến, Fine Art America còn cung cấp cho các nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia các công cụ tiếp thị và bán hàng để giúp đơn giản hóa và đẩy nhanh sự nghiệp của họ. Những công cụ này cho phép các nghệ sĩ thiết lập cửa hàng, phòng trưng bày trực tuyến có thương hiệu, bán bản in thông qua Shopify, tạo bản tin điện tử...

Đại diện cho hơn 222.000 nghệ sĩ, ArtPal là một thư viện trực tuyến độc đáo miễn phí 100%. Các nghệ sĩ có thể chọn bán các mặt hàng của riêng mình hoặc sử dụng các tính năng in theo yêu cầu của ArtPal. Thư viện này cũng có nguồn tài nguyên khổng lồ dành cho các nghệ sĩ để giúp họ tiếp thị tác phẩm nghệ thuật của mình, định giá các mặt hàng một cách chính xác và đặt ra các mục tiêu có thể đạt được cho sự nghiệp của họ. Nghệ sĩ chỉ mất vài phút để thiết lập một phòng trưng bày trực tuyến miễn phí, biến ArtPal trở thành một cửa ngõ tuyệt vời để bán tác phẩm nghệ thuật trực tuyến.

Được thành lập vào năm 2006, UGallery rất coi trọng việc lựa chọn nghệ sĩ và tác phẩm mà họ trưng bày. UGallery tin rằng việc duyệt qua bộ sưu tập nghệ thuật trực tuyến giống như dành một buổi chiều nhàn nhã đến thăm các phòng trưng bày địa phương.

Singulart là một nền tảng giúp đưa tác phẩm của các nghệ sĩ và nhà thiết kế đến với hơn 3 triệu nhà sưu tầm. Singulart nổi bật so với các nền tảng khác vì nghệ sĩ được tuyển chọn bởi các giám tuyển của nền tảng này sẽ liên tục được quảng bá thông qua các bản tin, chiến lược tiếp thị kỹ thuật số, nội dung biên tập và mạng xã hội.

Ngoài số kể trên, thế giới còn vô vàn nền tảng trưng bày trực tuyến và bán tác phẩm nghệ thuật khác nhau mà các nghệ sĩ có thể lựa chọn tùy theo yêu cầu của mình. Thị trường nghệ thuật trực tuyến ngày nay đã thực sự mở rộng và đó là cơ hội cho tất cả nghệ sĩ từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Với trưng bày trực tuyến, sẽ không có giới hạn nào đối với người nghệ sĩ, miễn là họ có tài năng.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục