Cuối tháng 3 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp các đơn vị nghiệp vụ đã triệt phá ổ nhóm chuyên sản xuất các loại giấy phép lái xe giả.
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ đối với 31 đối tượng để điều tra về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Các đối tượng cầm đầu được xác định là: Phạm Văn Vũ, sinh năm 1997; Phạm Văn Sỹ, sinh năm 1991; Nguyễn Văn Trình, sinh năm 1991; Lưu Công Hữu, sinh năm 2000; Phạm Văn Phong, sinh năm 1996; Ðỗ Văn Phúc, sinh năm 1998; Lưu Công Chí, sinh năm 1993. Các đối tượng nêu trên cùng trú tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Ðịnh.
Tiến hành kiểm tra, khám xét tại nơi ở, các phòng thuê để đặt các thiết bị in ấn, sản xuất giấy phép lái xe giả của các đối tượng, lực lượng chức năng đã tạm giữ được số đồ vật có liên quan gồm: Gần 400 bộ hồ sơ giấy phép lái xe ô-tô, xe máy (trong mỗi bộ có: giấy khám sức khỏe, kết quả thi sát hạch...) và giấy phép lái xe ô-tô, xe máy giả do các đối tượng vừa sản xuất chưa kịp chuyển đi cho khách hàng; 10.800 miếng ni-lông dán mặt trước và mặt sau của thẻ nhựa giấy phép lái xe; bốn tập tem tròn có in chữ "Tổng cục Ðường bộ Việt Nam"; bảy máy in mầu…
Một phần tang vật vụ án triệt phá ổ nhóm chuyên sản xuất các loại giấy phép lái xe giả tại Hà Nội.
Ảnh: Báo Công an nhân dân
Từ lời khai của các đối tượng cầm đầu, Ban chuyên án đã làm rõ, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là thường đăng quảng cáo việc làm giấy phép lái xe trên mạng internet và qua mạng xã hội zalo, facebook. Sau đó, các đối tượng nói với khách hàng rằng: "Có chỗ làm chui, không phải đi học, đi thi".
Khi khách hàng đồng ý, chỉ sau từ năm đến bảy ngày sẽ có giấy phép lái xe và bộ hồ sơ. Ðể thực hiện việc làm giả giấy tờ, các đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, ảnh 3x4, số điện thoại, địa chỉ nhận hàng. Giá giấy phép lái xe máy từ một triệu đến 1,5 triệu đồng; giá giấy phép lái xe ô-tô từ hai triệu đến sáu triệu đồng, tùy theo hạng A1, A2, B1...
Bên cạnh đó, căn cứ tài liệu thu thập được và lời khai của các đối tượng, bước đầu cơ quan công an xác minh được các đối tượng thường tìm trên mạng internet, mua được ổ cứng bên trong có chứa các file dữ liệu để in giấy tờ, giấy phép lái xe giả, con dấu... của tất cả các tỉnh, thành phố. Sau đó, các đối tượng mua máy tính, mua máy in mầu, máy in thẻ nhựa, máy rập, cắt, máy ép nhiệt và mua thẻ nhựa cứng để in "phôi" giấy phép lái xe giả. Sau khi in xong giấy phép lái xe và hồ sơ giả, các đối tượng đóng vào bì thư, chuyển phát nhanh qua đường bưu điện, hoặc qua các công ty chuyển phát.
Ðồng thời, các đối tượng lên mạng internet để tìm mua tài khoản ngân hàng mang tên người khác (tài khoản giả) để sử dụng và sử dụng ảnh chứng minh nhân dân của người khác để tạo một "App giả"; để nhận tiền từ bưu cục sau khi khách hàng trả tiền. Khi chuyển hồ sơ, bằng giả, các đối tượng sẽ thuê xe ôm mang hàng đến bưu cục để nhân viên bưu cục lên đơn hàng và chuyển cho khách. Sau khi khách hàng kiểm tra hàng và trả tiền cho nhân viên bưu tá, bưu cục sẽ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng vào "App giả" đã tạo trước đó.
Ðể phục vụ việc in giấy phép lái xe giả, các đối tượng thuê riêng các căn hộ ở chung cư để đặt máy in và thường xuyên thay đổi địa điểm để tránh sự phát hiện. Tính đến thời điểm bị triệt phá, cơ quan công an xác định đường dây này đã buôn bán giấy tờ giả, thu lời bất chính khoảng 20 tỷ đồng.
Cùng vào thời điểm cuối tháng 3, tại địa bàn thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lực lượng Công an tỉnh đã triệt phá thành công đường dây quy mô lớn làm giả con dấu, tài liệu của nhiều cơ quan, tổ chức.
Theo đó, qua công tác trinh sát trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), phát hiện dấu hiệu về đường dây làm giả các loại giấy tờ.
Sau gần nửa tháng kiên trì lần theo dấu vết, trinh sát xác định được nhóm đối tượng này có cơ sở thực địa đặt ở địa bàn thị xã Phú Mỹ. Qua sàng lọc đối tượng, Ban chuyên án xác định các đối tượng cầm đầu gồm: Nguyễn Thái Trọng, sinh năm 1981; Phạm Thành Linh, sinh năm 1991; Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1991; Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1995; Nguyễn Thị Xim, sinh năm 1982, Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1980 và Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1983, tất cả cùng trú tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Qua lời khai của các đối tượng, cơ quan điều tra xác định, các đối tượng lập các tài khoản trên mạng xã hội để quảng cáo, thu hút những người có nhu cầu làm giấy tờ giả. Ðể đối phó với cơ quan chức năng, khi có khách đặt hàng, các thành viên thường yêu cầu gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp qua zalo hoặc Messenger để lấy thông tin tên, năm sinh, địa chỉ thường trú rồi yêu cầu nộp tiền đặt cọc qua tài khoản dưới dạng trả tiền mua hàng tiêu dùng.
Khi hoàn tất giấy tờ giả, các thành viên trong nhóm sẽ gọi shipper giao tận nơi và nhận tiền, còn nếu ở xa thì người đặt mua chuyển khoản số tiền còn lại và được nhóm này gửi theo đường chuyển phát nhanh đến tận địa chỉ. Cho đến thời điểm bị bắt, cả nhóm đã bán rất nhiều giấy tờ giả cho nhiều người ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Ðồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác...
Hiện tại, cơ quan điều tra đang hoàn tất hồ sơ để truy tố các ổ nhóm làm giấy tờ giả, tạo tính răn đe, ngăn ngừa các đối tượng xấu trong xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết