Tiến sỹ Văn học Trần Lệ Thanh từng chia sẻ, có một điểm thật thú vị mà người Tuyên Quang phải lấy làm tự hào là, nhìn lại bộ sưu tập những bài thơ sáng tác về Tân Trào, về Tuyên Quang chúng ta thấy góp mặt gần như đủ cả những nhà thơ lớn của dân tộc: Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Xanh, Nguyễn Đình Thi, Sóng Hồng, Tố Hữu, Nông Quốc Chấn... Tuy là với những góc nhìn, cách cảm khác nhau, nhưng những bài thơ này quả đã khai thác được ở cái phong vị riêng mà những miền đất khác không dễ gì có được.
Tháng 5-1945, Bác Hồ về Tân Trào. Ngày 4-6-1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh đã quyết nghị thành lập Khu giải phóng. Nhớ lại sự kiện lịch sử thiêng liêng đó, nhà thơ Huy Cận đã khái quát một cách ngắn gọn, đầy đủ qua bài thơ “Một kỷ niệm về Hồ Chủ tịch ở Đại hội Tân Trào”. Lời thơ rắn rỏi mạnh mẽ như lời tuyên thệ của người chiến sỹ Đảng Cộng sản: “Đại hội Tân Trào vừa bế mạc/Ba loạt súng vang rừng dội thác/Chào ủy ban giải phóng mới bầu xong/Cây đa to bóng che nửa cánh đồng/Cũng dào dạt muôn vàn lá sáng”.
Thơ Tân Trào còn thể hiện rất thành công hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Người là tâm điểm xuyên suốt hành trình thi ca ấy. Nhà văn Ngô Vĩnh Bình (Hà Nội) khi tổng kết về 40 năm thơ Tân Trào đã nhận xét: “suốt 40 năm qua Bác Hồ là đề tài trung tâm của những sáng tác về đề tài Tân Trào”. Điểm xuyết là những tác phẩm như: “Việt Bắc” của Tố Hữu, “Tân Trào” của Nguyễn Nhã, “Một kỷ niệm thiêng liêng” của Nguyễn Xuân Xanh... Tất cả đều gói trọn những cảm xúc, kỷ niệm thiêng liêng, lòng thành kính dành cho vị lãnh tụ của dân tộc. Từng gốc cây, ngọn cỏ, từng ruộng lúa nương ngô, từng bản làng ngõ xóm đều in dấu những tháng ngày hoạt động của Người: “Khi Bác ốm chỉ lá rừng nước suối/Thương Bác vô cùng nhưng nghèo quá đỗi/Củi Nà Lừa dâng Bác sưởi đêm đông/Và một dòng Khuôn Pén nước xanh trong/Bác tắm mát, chao ôi, chừng có vậy!... (Tân Trào của Nguyễn Nhã).
Và bước sang thời kỳ đổi mới, hình ảnh quê hương cách mạng anh hùng là điểm tựa cho Tân Trào vươn mình đi lên. Những lời thơ, tiếng nhạc như hân hoan reo vui và đồng thời cũng nhắc nhở về năm tháng gian lao thủa ấy. Đó là hành trang để thế hệ sau làm điểm tựa tiếp bước: “Trên tay nâng trái cam hồng/Nói gì cũng chẳng hết lòng mình đâu/Gian lao để nhớ về sau/Ngọt ngào ta để giành nhau ta chờ/Tân Trào mây nước vào thu/Tôi nghe đâu đó/bất ngờ/tiếng ca” (Hát về mùa cam Tân Trào - Mai Liễu).
Hát then trên hồ Nà Lừa (Tân Trào - Tuyên Quang). Ảnh: K.T
Lòng cũng bâng khuâng với những dư âm lịch sử hào hùng ngày tháng đã qua. Lớp lớp thi sỹ xứ Tuyên như Lê Na, Ngọc Hiệp, Cao Xuân Thái… sinh sống trên mảnh đất quê hương cách mạng cũng không khỏi tự hào. Để rồi mỗi lần trở lại đều không khỏi khuôn nguôi nhớ về Người: “Đơn sơ lán nứa lá ngồi/Phên thưa lọt gió cắt trời đêm đông/...Cây đa, mái lán, sân đình/Cầu thang bằng nước nghĩa tình non sông…/Con về đứng giữa mênh mông/Lặng im trước lán, bềnh bồng trăng lên” (Trở lại Tân Trào - Ngọc Hiệp).
Cũng trong mạch nguồn xúc cảm ấy, bài thơ “Tản mạn Tân Trào” của Cao Xuân Thái đưa độc giả hồi tưởng lại quá khứ - đó là tháng ngày gian khổ: “Cơn đau thập tử nhất sinh/Người nằm rung sàn nứa”. Nhưng được sự bao bọc, chở che của rừng núi, đồng bào nơi quê hương cách mạng đã giúp “Người vượt qua thời khắc hiểm nghèo” để có “một ngày tháng Tám nắng trong veo”. Một dân tộc bé nhỏ yêu tự do, hòa bình; không chịu sự áp bức, bóc lột của những tên Đế quốc sừng sỏ, cả dân tộc đã anh dũng đứng lên. Bằng sự đoàn kết, đồng lòng đã dành lại non sông gấm vóc quê hương. “Sức mạnh từ tình yêu hòa bình” đó là thông điệp mà đất nước Việt Nam muốn gửi tới bạn bè năm châu: “Không hiểu được, như huyền thoại cổ tích/Chỉ biết từ thánh địa Tân Trào/Bác dựng lại cả non sông”.
Có thể nói, cách mạng, đời sống kháng chiến và ký ức lịch sử đã làm nên một Tân Trào đầy kiêu hãnh trong những trang thơ. Những thi phẩm đã điểm tô cho bức tranh Tân Trào thêm nhiều sức sống. Một mùa thu nữa lại về, trong những ngày này, chúng ta hãy cùng trở lại Tân Trào qua hành trình của cảm xúc thi ca.
Gửi phản hồi
In bài viết