“Lễ ăn thề” ở Khuôn Trạn
Khuôn Trạn là một xóm nhỏ người Dao dưới chân núi Hồng, thuộc xã Lương Thiện, Sơn Dương. Đồng bào Dao nơi đây có tục tổ chức lễ ăn thề để xác định một niềm tin tuyệt đối.
Cuối năm 1942, một buổi lễ ăn thề lớn được tổ chức tại Khuôn Trạn, có đại biểu nhiều xóm dự. Mọi người được tìm hiểu về điều lệ của Mặt trận Việt Minh, tuyên thệ trung thành với cách mạng, đoàn kết cùng nhau giành độc lập. Từ buổi lễ này, các đại biểu mang theo tư tưởng cách mạng của Việt Minh tỏa về các xóm, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân. Các lễ ăn thề liên tiếp được tổ chức, như chứng kiến sự gặp gỡ của lòng dân ý Đảng.
Lửa cách mạng từ Khuôn Trạn lan nhanh sang các địa bàn khác, đâu đâu cũng bừng khí thế và niềm tin Việt Minh sẽ đánh Pháp, đuổi Nhật. Các đội tự vệ được thành lập, nhiều lớp huấn luyện quân sự được tổ chức nên chỉ sau hơn 2 năm, các cơ sở Việt Minh đã có mặt khắp huyện, làm tiền đề cho phong trào cách mạng của Sơn Dương.
Từ các buổi lễ ăn thề, khắp các miền quê Sơn Dương sục sôi khí thế cách mạng. Phong trào “sắm vũ khí, đuổi thù chung” rầm rộ nơi nơi. Cơ quan của Phân khu ủy Nguyễn Huệ, nhà in báo Kháng Nhật, xưởng quân giới… chuyển về Ao Búc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên của Sơn Dương được thành lập.
Đêm 10-3-1945, khởi nghĩa Thanh La nổ ra thắng lợi. Tiếp sau đó là giải phóng các xã khác và giải phóng huyện lỵ Đăng Châu. Châu Tự Do ra đời. Sơn Dương trở thành trung tâm cách mạng của tỉnh và là một trong những trung tâm cách mạng của cả nước. Từ châu Tự Do, phong trào cách mạng lan khắp huyện. Đến ngày 15-5-1945, Châu Kháng Địch ra đời, Sơn Dương hoàn toàn giải phóng.
Học sinh trên địa bàn xã ôn lại lịch sử ngôi đình Tân Trào. Ảnh: Quang Hòa.
Vinh dự lớn lao
Tháng 5-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp về Sơn Dương cùng các đồng chí lãnh đạo Phân khu Nguyễn Huệ chọn Tân Trào làm trung tâm căn cứ địa mới, Trung tâm Khu Giải phóng (gồm Sơn Dương, Định Hóa, Đại Từ, Yên Sơn, Chiêm Hóa) để Trung ương Đảng và Bác Hồ ở, trực tiếp lãnh đạo cao trào cách mạng của cả nước.
Ngày 21-5-1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về tới Tân Trào. Bác chỉ thị thành lập Khu Giải phóng - căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tân Trào trở thành Thủ đô lâm thời của nước Việt Nam mới. Tại đây các tờ báo Nước Nam mới, Việt Nam độc lập được xuất bản, truyền đi các tin tức về hoạt động của Khu Giải phóng.
Vinh dự lớn lao, trách nhiệm nặng nề, Thủ đô Khu Giải phóng vừa củng cố chính quyền cách mạng, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an toàn bí mật cho Bác Hồ và Trung ương Đảng, vừa cung cấp nhân lực, vật lực cho Trung tâm Khu giải phóng.
Tại đây đã diễn ra những giờ phút, sự kiện trọng đại, lớn lao của lịch sử dân tộc gắn liền với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Lán Nà Nưa vẫn còn vang mãi câu nói của Bác Hồ “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Rừng Tân Trào chứng kiến Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ngày 13-8-1945 quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc.
Đình Tân Trào diễn ra Quốc dân Đại hội ngày 16-8-1945, thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch. Các đại biểu dự Quốc dân Đại hội sau đó đã chứng kiến Đoàn quân Giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy làm lễ xuất quân dưới bóng đa Tân Trào, tiến về giải phóng Thái Nguyên, sau đó về Hà Nội.
Cũng từ Tân Trào, ngày 22-8-1945, Bác Hồ rời Thủ đô Khu giải phóng về Thủ đô Hà Nội để ngày 2-9, đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau này, Tân Trào còn vinh dự được đón Bác Hồ và Trung ương Đảng trở lại lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp suốt 9 năm trường kỳ; nhận lãnh vai trò Thủ đô Kháng chiến của cả nước.
Vào thu hồ Nà Nưa thật đẹp.
Đường cách mạng đã vươn xa…
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Thủ đô Khu Giải phóng hôm nay đang đoàn kết, năng động để phát triển. Tân Trào là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh, Sơn Dương trở thành huyện phát triển khá của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được cải thiện và nâng cao. Chất lượng, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng đổi mới. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, bản sắc truyền thống các dân tộc được bảo tồn và phát huy.
Trong nhiệm kỳ này, Sơn Dương tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với phương châm “khó khăn của doanh nghiệp, của người dân là khó khăn của huyện, của xã, của thị trấn” để đồng hành, kịp thời chia sẻ và tháo gỡ vì mục tiêu dân giàu thì huyện mạnh. Huyện tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và các khu, cụm công nghiệp; phấn đấu để thị trấn Sơn Dương đạt tiêu chí đô thị loại IV và xã Sơn Nam lên đô thị loại V trước năm 2025. Với những thế mạnh riêng có về các di tích lịch sử cách mạng và nhiều tiềm năng sinh thái khác, huyện coi việc phát triển du lịch là một trong những khâu đột phá của cả nhiệm kỳ để đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng.
Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến năm xưa, nay đã và đang phát triển nhanh, vững chắc, đúng như câu hát Đường cách mạng đã vươn xa biết mấy…
Gửi phản hồi
In bài viết