Con đường yêu thơ
Ông Nguyễn Trường Kỳ, 80 tuổi, quê xã Hồng Lạc (Sơn Dương), hiện trú tại thôn 8, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang). Nhớ về ký ức tuổi thơ ông kể, hồi nhỏ bà nội thường đọc truyện Kiều cho nghe. Những nhịp thơ vần điệu cứ thế ngấm dần vào ông lúc nào chẳng hay. Lớn lên ông xung phong đi làm công nhân cầu đường thuộc Ty Giao thông vận tải Tuyên Quang. Năm 1967 có đoàn Anh hùng miền Nam ra thăm Bác Hồ, rồi lên Tân Trào. Trung ương điện cho tỉnh chuẩn bị con đường thật tốt để ô tô chở đoàn có thể vào tận được khu di tích. Đây là dịp ông được điều động về ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, thôn Tân Lập, xã Tân Trào để trực tiếp thi công con đường. Đơn vị phải mượn hai chiếc máy ủi của Nông trường Tân Trào để mở rộng và nền san đường cho kịp tiến độ.
Những ngày ăn ở trong ngôi nhà sàn lợp lá cọ của ông Nguyễn Tiến Sự, buổi tối ông Sự thường kể cho nhà thơ nghe về Bác Hồ. Bác cưỡi ngựa ra sao, mặc bộ quần áo màu gì, hỏi thăm nhân dân như thế nào. Ngưỡng mộ vị lãnh tụ của dân tộc càng lớn dần trong ông Kỳ khi đọc được các vần thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu “Ở đâu u ám quân thù/Nhìn lên Việt Bắc Cụ Hồ sáng soi”. Những năm 1973 - 1975 ông Kỳ tiếp tục đi mở đường tuyến Trung Yên (Sơn Dương) đi Trung Sơn (Yên Sơn). May mắn ông Kỳ lại được ở trong nhà ông Đặng Văn Đông, xã Trung Yên, người tham gia tiếp phẩm, nấu cơm cho cán bộ cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở ATK Kim Quan. Ông Đông hay kể về những lần gặp Bác Hồ. Bác thật giản dị, gần gũi, nhưng cũng rất hóm hỉnh, lãng mạn.
Đêm xuống, nhà thơ Nguyễn Trường Kỳ có thói quen chong đèn làm thơ.
Thời kỳ đó phong trào làm báo tường của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh lên rất mạnh. Ông Kỳ mới bắt đầu trổ tài làm thơ về Bác Hồ. Những vần thơ ban đầu tuy niêm luật, gieo vần, thể loại có thể chưa chính xác, nhưng cảm xúc thì dồi dào. Được thủ trưởng, đồng nghiệp tán thưởng, ông Kỳ cũng phấn khởi lắm. Ông bắt đầu nghiên cứu về thơ lục bát, đường luật, tự do. Nhiều lúc làm thơ với ông để thỏa lòng đam mê, xua tan mệt mỏi. Các tư liệu nói về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ ông đều sưu tầm, đọc kỹ. Theo ông làm thơ về Bác ngoài ngưỡng mộ lãnh tụ, còn giúp ông học theo Bác, tu dưỡng, rèn luyện trở thành con người của cách mạng, của nhân dân, công dân có ích của xã hội. Qua thơ, ông muốn lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với công chúng.
Giờ bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, nhà thơ Nguyễn Trường Kỳ chưa bao giờ ngừng nghỉ làm thơ về Bác Hồ. Ông trực tiếp điều hành hai câu lạc bộ thơ, mỗi tháng sinh hoạt hội viên một lần. Những lần sinh hoạt, các bạn thơ lại đọc cho nhau nghe các tác phẩm mới ra lò. Hàng năm, câu lạc bộ có lựa chọn, tập hợp các bài thơ hay để in trong tập thơ chung. Ngoài in chung, đến nay ông Kỳ in riêng được 11 tập thơ, tập 12 đang ở giai đoạn bản thảo, trong đó có nhiều bài thơ về Bác Hồ. Thời gian này dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, ông chuyển sang giao lưu bạn thơ trên “thi đàn” facebook, zalo. Không chỉ có bạn thơ trong tỉnh, mà nhiều bạn thơ ngoài tỉnh cũng biết tới ông, luôn ngóng thơ ông...
Bác Hồ là nguồn cảm hứng bất tận
Trong tủ thơ của ông Kỳ có đến hàng nghìn bài, trong đó ông không nhớ nổi có bao nhiêu bài viết về Bác Hồ. Nhà thơ Nguyễn Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Việt Nam tỉnh cho rằng, có lẽ Nguyễn Trường Kỳ sinh ra để làm thơ về Bác Hồ. Thơ ông thể hiện hình tượng Bác Hồ dung dị, thanh cao, mộc mạc mà sâu lắng, dễ hiểu với các thể loại lục bát, đường luật, thất ngôn, tứ tuyệt, thơ tự do. Song lục bát và thơ đường luật vẫn là thế mạnh. Trong tập thơ “Hương rừng” đầu tay nhà thơ Nguyễn Trường Kỳ viết bài Núi rừng Việt Bắc có đoạn “Về thăm lán nứa Nà Nưa/Nhà sàn mái lá đơn sơ nhớ Người/Cây đa tỏa bóng xanh tươi/Dòng sông Phó Đáy, Bác ngồi làm thơ/Đèo Re thấp thoáng sương mờ/Sân bay quốc tế Đồng Cò Minh Thanh/Rừng núi uốn lượn bao quanh/Nối nhau như lũy, như thành chở che”.
Còn bài Mùa thu nhớ Bác có đoạn “Nhớ người mũ lá, áo nâu/Thân gầy, mắt sáng, chòm râu buông dài/Đi bộ phơi nắng vắt vai/Văn thơ kiệt tác mấy ai sánh cùng/Giữa vùng rừng núi trập trùng/Phất cờ dựng nước tiếng lừng bốn phương/Thủ đô kháng chiến Sơn Dương/Bác Hồ lãnh đạo Trung ương luận bàn”. Theo nhà thơ Nguyễn Trường Kỳ, ông rất phấn khởi khi Trung ương, tỉnh đang đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn ngày đêm học tập Bác, thể hiện rõ trong bài Làm theo lời Bác của tập thơ Miền đất hứa “Bác Hồ đã dạy chúng ta/Con người sức khỏe phải là đầu tiên/Tự mình chăm chỉ luyện rèn/Thi đua học tập chớ quên lời Người”.
Nhà thơ Trần Như Liêu, Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, bạn thơ của ông Kỳ tâm sự “Tôi hay đọc thơ anh Kỳ viết về Bác Hồ. Đọc thơ anh tôi thấy hình bóng Bác như còn phảng phất đâu đây. Ngoài Nghệ An có lẽ Tuyên Quang là địa phương Bác Hồ ở và làm việc lâu nhất với thời gian 5 năm 11 tháng 25 ngày. Mỗi tên đất, tên làng đều gắn với những dấu son lịch sử”. Bài “Nhớ Bác” trong tập “Bóng đa quê”, tác giả viết “Rằm xuân cả nước đón Nguyên tiêu/Bát ngát trăng soi sáng núi đèo/Suối nước Ngòi Thia nơi Bác đến/Dòng sông Phó Đáy chảy vang reo”. Hay bài Ơn Đảng Bác trong tập Hương Thu “Búa liềm cờ Đảng thắm tươi xinh/Tổ quốc non sông đất nước mình/Đảng Bác đưa đường soi chỉ lối/Kiên cường dũng cảm dám hy sinh/Đưa dân đói khổ qua nô lệ/Thoát khỏi lầm than sống nghĩa tình”.
Vợ nhà thơ Nguyễn Trường Kỳ chia sẻ “Ông nhà tôi mê thơ lắm, nhiều lúc ngẫu hứng cũng thành thơ. Buổi tối ông ý hay chong đèn viết, suy tư đến khuya. Sáng ra viết được bài thơ hay ông ý đọc luôn cho cả nhà nghe. Vợ con, cháu, chắt là những độc giả đầu tiên. Thấy ông viết thơ vui ra, khỏe ra, thêm nhiều bạn bè tôi cũng an tâm. Ông ý còn in thơ Bác Hồ treo quanh nhà, như để nhắc nhở con cháu học tập tấm gương Bác Hồ”. Bài “Theo chân Bác” trong tập “Bên dòng Lô Giang” ông viết “Đuốc sáng giương cao Bác dẫn đường/Đi tìm chủ nghĩa khắp muôn phương/Mênh mông sóng biển hồn dân tộc”. Rồi bài Nhớ hình bóng Bác trong tập Hương thu có đoạn “Áo chàm cơm nắm vừng rang muối/Dép lốp cao su Bác chẳng nề/Lán nứa nằm sàn nghe suối hát/Đêm ngồi câu cá dưới trăng quê”.
Đối với nhà thơ Nguyễn Trường Kỳ đi đâu ông cũng mang theo “một túi thơ về Bác Hồ”. Tổng kết cựu chiến binh ông cũng đọc thơ Bác Hồ, vui Ngày đại đoàn kết tổ dân phố ông cũng đọc thơ về Bác Hồ, giao lưu với đoàn thanh niên ông cũng đọc thơ về Bác Hồ. Ông Kỳ bảo, càng làm thơ về Bác Hồ ông càng có niềm tin, động lực khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống và lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết