Quần đảo Côn Đảo với 16 hòn đảo lớn nhỏ giữa biển khơi.
Côn Đảo ngày càng gần hơn
Gần như cùng một lúc, 2 chiếc tàu cao tốc từ đất liền Cần Thơ và Sóc Trăng cặp bến cầu tàu mới, đưa hơn 600 du khách ra Côn Đảo. Những chiếc tàu 2 thân vốn to lớn, sừng sững, nay như gọn gàng nép mình vào bến mới với đường dẫn dài hơn 370m vươn từ tòa nhà hình cánh buồm ra giữa biển xanh, nối với cầu tàu dài 50m, rộng 12m, có thể đón 2 tàu khách cỡ lớn cùng lúc.
Cảng tàu khách mới có thể đón cùng lúc 2 tàu khách từ đất liền ra Côn Đảo.
Bến tàu khách mới với tổng vốn đầu tư 158 tỷ đồng, diện tích 2,56ha mới hoạt động thử nghiệm từ tháng 4-2023 đến nay, đã liên tiếp đón khách từ Cần Thơ, Sóc Trăng và Vũng Tàu vượt biển đến với Côn Đảo. Theo Phó Giám đốc Ban quản lý cảng Bến Đầm Đỗ Công Thịnh, việc bến cảng tàu khách mới, hiện đại nằm ngay trung tâm đảo lớn Côn Sơn giúp rút ngắn tới 15km quãng đường cho du khách đến trung tâm huyện đảo đã tạo thêm thuận lợi để ngày càng có thêm nhiều người đến với quần đảo.
Huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một quần đảo rộng 76km2, với 16 hòn đảo lớn nhỏ ngoài khơi, cách thành phố Vũng Tàu 185km; cách cảng Trần Đề (Sóc Trăng) 102km và cách thành phố Cần Thơ 181km. Đó là những điểm đang có tàu khách cao tốc (300 người/chuyến) đưa du khách từ đất liền đến với Côn Đảo mỗi tuần.
Dự kiến trong năm 2024, Côn Đảo sẽ đón thêm một tuyến mới từ thành phố Hồ Chí Minh vượt 230km đường biển bằng tàu khách cỡ lớn (1.000 người/chuyến) đến với huyện đảo.
Du khách tham gia hoạt động thả rùa về biển.
Hào hứng chia sẻ với chúng tôi ngay khi đặt chân đến Côn Đảo sau chuyến hải trình từ Cần Thơ, anh Vũ Công Vinh, du khách đến từ Hà Nội, nói: “Đoàn chúng tôi ra đây, sau khi thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ và tham quan các di tích trên đảo, sẽ tham dự hoạt động thả rùa con về biển. Hiện đang là cao điểm của mùa rùa biển sinh sản tại Côn Đảo”.
Hoạt động anh Vinh nhắc đến là một trong chuỗi các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm đang được các bên triển khai tại Côn Đảo. Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, đây là nơi đầu tiên ở Việt Nam tham gia mạng lưới Bảo tồn rùa biển của Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. Ngày càng có nhiều du khách tham gia trải nghiệm hoạt động nhiều ý nghĩa này.
Số liệu của ngành Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới công bố cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, huyện Côn Đảo đón 385.765 lượt khách du lịch, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu du lịch đạt gần 1.388 tỷ đồng, tăng 51,5% so với cùng kỳ năm 2022. Công suất phòng bình quân 6 tháng đầu năm đạt 41,87%, tăng 6,68% so với cùng kỳ năm 2022.
Côn Đảo được định hướng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp.
Hiện, Côn Đảo được Trung ương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định là khu du lịch quốc gia tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đây là nơi ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, phát triển du lịch xanh, bảo vệ môi trường bền vững.
Sớm hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cho biết, bà và các đại biểu Quốc hội của tỉnh vừa thực hiện các hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV. Trong các cuộc tiếp xúc, hai dự án lớn được cử tri nhắc đến nhiều là dự án Cấp lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo và dự án Nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo.
Dự án cấp lưới điện Quốc gia cho huyện Côn Đảo vừa được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6-2023, có tổng mức đầu tư hơn 4.950 tỷ đồng để xây dựng hệ thống trạm biến áp và đường dây 110kV cáp ngầm dài khoảng 102km từ bờ Sóc Trăng ra Côn Đảo, dự kiến hoàn thành tháng 6-2026. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh, đây là dự án được chính quyền và người dân của tỉnh rất trông đợi.
“Côn Đảo đang phát triển rất nhanh, nhưng do chỉ chạy bằng máy phát, nên huyện đảo thiếu điện, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội… Nay dự án đã được phê duyệt. Theo tính toán, công suất cấp điện cho Côn Đảo năm 2030 là 82,4MW và năm 2035 khoảng 95,8MW, cơ bản đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp trên đảo; góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia”, ông Lê Ngọc Khánh nói.
Sân bay Côn Đảo hiện hữu sẽ được mở rộng, nâng cấp thành cảng hàng không quốc gia.
Về Dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo, cuối tháng 3-2023, Chính phủ cũng đã có kết luận. Theo đó, sẽ nâng cấp đồng bộ đường cất hạ cánh, đường lăn và nhà ga sân bay Côn Đảo thành cảng hàng không quốc gia. Cụ thể, từ một sân bay dân sự cấp 3C và quân sự cấp II hiện tại (chỉ tiếp nhận được máy bay ATR72, F70 và tương đương, công suất 300.000 khách mỗi năm), đến năm 2030, sân bay Côn Đảo sẽ là sân bay dân sự cấp 4C, sân bay quân sự cấp II, công suất 2 triệu hành khách và 4.400 tấn hàng hóa/năm.
Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho dự án này là gần 3.800 tỷ đồng, có thể đón máy bay Airbus A320/321 hoặc tương đương... Một phần vốn nhà nước để nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ. Phần còn lại huy động vốn doanh nghiệp xây dựng nhà ga, công trình quản lý bay.
Phối cảnh một thiết kế dự án sân bay Côn Đảo.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ thông tin: Tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông - Vận tải và các đơn vị liên quan tập trung thúc đẩy tiến độ dự án nâng cấp Cảng Hàng không Côn Đảo vì mục tiêu phát triển đồng bộ, lâu dài.
Gửi phản hồi
In bài viết