Giữ cội
Nằm trên vùng đất địa linh, sánh đôi cùng với rất nhiều di tích lịch sử thiêng liêng khác, cây đa Tân Trào là cây cổ thụ nằm ở đầu làng Kim Long, nay là thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương). Cây đa Tân Trào lịch sử có từ rất lâu (khoảng hơn 300 năm), do vậy hình ảnh cây đa đã in sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ người dân Tân Trào.
Cây đa Tân Trào gồm hai cây mọc cách nhau chừng 10 mét, người dân địa phương vẫn quen gọi dân dã là cây đa ông và cây đa bà. Do ảnh hưởng của thời tiết, những năm 90 của thế kỷ trước, cây đa ông bị bão làm gẫy đổ, chỉ còn lại một nhánh nhỏ. Cây đa bà cũng dần có những dấu hiệu xấu, lá ngả vàng, một số ngọn bị chết. Đến năm 2008, cây đa Tân Trào chỉ còn sót lại duy nhất một cành hướng Đông Bắc của “cây đa bà” còn sống nhưng là phát triển không tốt, phần rễ chính của cây gần như đã chết. Năm 2008, UBND tỉnh đã có phương án chăm sóc, phục hồi cây đa Tân Trào, trước đó, đã có nhiều cây con được trồng quanh cây đa bà để bảo tồn quần thể này.
Vốn có đam mê với việc tạo hình sinh vật cảnh, sau nhiều lần dẫn khách quý đến thăm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào và phải để khách về tay không khi không lựa chọn được quà tặng ưng ý, đặc trưng nhất của vùng đất quê mình làm quà, Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Hoạch - Giám đốc Hợp tác xã vận tải và dịch vụ Thanh Bình - bắt đầu nghĩ đến việc lựa chọn chính cây đa Tân Trào làm quà tặng. Không phải tranh, ảnh, cũng không phải phù điêu chạm khắc gì, mà là cây đa Tân Trào thực thụ, nhưng ở phiên bản nhỏ hơn, nhẹ hơn: Cây đa Tân Trào bonsai mini.
Cây đa Tân Trào bonsai mini được ông Nguyễn Hữu Hoạch chiết cành từ 3 năm trước.
Hơn 3 năm trước, ông Hoạch đã chiết thử cành đa từ cây đa nhỏ tách ra từ cây đa bà và đem về giâm hom tại vườn nhà, tạo tán, uốn cành như những cây cảnh bonsai mini trong nhà. Giờ cây đã thành hình rất đẹp, gốc cũng đã bắt đầu xù xì, trông cổ kính như một cây đa già.
Ngày 1-4 năm nay, ông Hoạch cùng với đại diện một số đơn vị như Bảo tàng tỉnh, Trung tâm thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ (Trường Đại học Tân Trào); Ban quản lý khu di tích lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào đã cùng nhau bàn bạc và thống nhất biện pháp nhân giống cây đa Tân Trào để làm quà lưu niệm theo yêu cầu của tỉnh. Ông kể, giữa thời tiết ngày hè nóng bức, mà khi đoàn thắp hương làm lễ dưới gốc đa Tân Trào, gió từ đâu thổi về mát lạnh, lao xao cành lá như thể hiện sự đồng tình của bao thế hệ đi trước.
Trông cây lại nhớ đến Ngươi...
Hơn một trăm gốc đa chiết từ cây đa nhỏ được tách ra từ cây đa bà, mỗi cây chỉ cao chừng hơn gang tay, nhưng đã bám đất, vươn lên mạnh mẽ. Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Hoạch chăm chút từng chậu đa bonsai mini. Với những cây đã cứng cáp khỏe mạnh, ông bắt đầu tạo dáng, tạo hình. Ở mỗi cây đa đang lên ấy, ông đã lại chiết cành tiếp để nhân sang chậu khác. Những cây yếu hơn, ông thêm đất, thêm dinh dưỡng phù hợp để cây phát triển.
Ông Hoạch bảo, người cựu chiến binh vào sinh ra tử như ông, trông cây lại nhớ đến Người. Những năm tháng chống Mỹ cứu nước gian khổ, lúc vất vả gian lao nhất, ông và đồng đội lại cùng nhau đọc lại lời thề thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc trong lễ ra mắt Quốc dân tại Tân Trào ngày 17-8-1945, với câu nói bất hủ: “…Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Cây đa cũng là cây mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là cây trồng trong lễ phát động Tết Trồng cây đầu tiên vào năm Canh tý 1960 ở phía Nam công viên Thống Nhất, Hà Nội. Đây cũng là cây cuối cùng Bác trồng tặng nhân dân Vật Lại, Ba Vì (Hà Nội) vào Xuân Kỷ Dậu 1969.
Ông bảo, mình vui lắm. Ở cái tuổi ngoài 70, được quay trở lại với cái thú tao nhã là sinh vật cảnh, mà lại bắt đầu với loài cây là biểu tượng của Tuyên Quang, tất cả trong ông chỉ có thể diễn tả bằng từ tự hào. Ông tự hào vì được tự tay mình lưu giữ lại một chứng tích lịch sử của Tuyên Quang qua phiên bản đẹp đẽ hơn, tự hào vì được tự tay gửi gắm tình cảm của đất và người Tuyên Quang đến với bạn bè bốn phương. Và tự hào, khi được là người truyền ngọn lửa tìm hiểu lịch sử cách mạng đến với những thế hệ kế tiếp. Để người dân bốn phương, thấy cây đa là thấy được hình ảnh Tuyên Quang, thấy cây đa là thấy được những năm tháng gian khó mà hào hùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Tân Trào để sống và làm việc.
Tới đây, những cây đa Tân Trào bonsai mini sẽ được Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Hoạch đưa đến giới thiệu, quảng bá tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh và trở thành quà tặng du lịch đặc trưng cho khách đến với Tuyên Quang. Trước mắt là Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào và Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm.
Bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, việc bảo tồn nguồn gen cây đa Tân Trào thông qua việc xây dựng nguồn giống, nhân giống, tạo ra sản phẩm có ý nghĩa lịch sử gắn với du lịch là việc làm hết sức cần thiết. Để sớm triển khai việc nhân giống cây đa Tân Trào, tạo sản phẩm cây giống có ý nghĩa lịch sử phục vụ nhu cầu khách thăm quan du lịch tại Khu di tích và các sản phẩm lưu niệm trong các dịp tổ chức sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng của tỉnh, cùng với Hợp tác xã vận tải và dịch vụ Thanh Bình, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình UBND tỉnh cho phép Trung tâm thực nghiệm, thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ thực hiện Dự án nghiên cứu ứng dụng giải pháp bảo tồn nguồn gen cây đa Tân Trào theo phương pháp nuôi cấy mô, xây dựng vườn cây đầu dòng và thực hiện thủ tục công nhận nguồn giống cây đa Tân Trào theo quy định.
Bóng đa Tân Trào lịch sử đã và đang vươn xa trên mảnh đất hình chữ S, từ Trường Sa đến bến cảng Nhà Rồng nơi Bác Hồ ra đi cứu nước năm 1911. Và giờ, những cây đa bonsai mini trên tay khách du lịch rời Tuyên Quang sẽ đi khắp đất nước, như một biểu tượng của chiến thắng, của lịch sử vẻ vang và hùng tráng. Và hơn cả, là tinh thần, sức sống mãnh liệt của đất và người Tuyên Quang!.
Gửi phản hồi
In bài viết