Mệnh lệnh từ trái tim người mẹ
Hợp tác xã nông sản an toàn Núi Mây, xã Thái Bình (Yên Sơn) ra đời hoàn toàn ngẫu nhiên, khi Giám đốc Hợp tác xã vốn là cô gái phố thị, chưa biết cảnh “chân lấm tay bùn” là gì.
Giám đốc Hợp tác xã, chị Hoàng Thị Thoa là người Ỷ La (TP Tuyên Quang). Không phải nông dân, cũng chẳng biết gì về nông nghiệp, nhưng sau khi sinh con thứ hai, chị Thoa không muốn lạm dụng thuốc kháng sinh cho con mà muốn tận dụng chính những cây cỏ quanh nhà. Thoa tham gia vào một nhóm trên mạng xã hội, để cùng nhau tìm kiếm, chia sẻ kiến thức. Càng tìm hiểu, chị càng nhận ra không có gì tăng sức đề kháng cho con tốt hơn là từ chính thực phẩm ăn uống hàng ngày.
Dần dà, Hoàng Thị Thoa bị cuốn vào câu chuyện của những người làm nông nghiệp. Từ một phụ nữ phố thị, chị bàn với chồng tìm đến các xã để tìm hiểu, lựa chọn cây con thế mạnh, đặt viên gạch đầu tiên để bước chân vào nông nghiệp cho vững chắc, phù hợp.
Tháng 3-2020, Hợp tác xã nông sản an toàn Núi Mây được thành lập. Không có lợi thế về đất sản xuất, chị Hoàng Thị Thoa liên kết với nông dân ở nhiều xã Chân Sơn, Thái Bình huyện Yên Sơn, Nông Tiến (TP Tuyên Quang) để liên kết nuôi dê, trồng rau quả theo hướng an toàn thực phẩm.
Liên kết nuôi dê - nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng những ngày đầu mới thực hiện là cả quá trình vận động, thay đổi thói quen chăn nuôi cho người nông dân. Nhiều thói quen cũ được chị hướng dẫn, vận động bà con thay đổi hoàn toàn. Từ việc đưa đệm lót sinh học hạn che việc thải chất thải chăn nuôi trực tiếp ra môi trường, đến việc thay thế việc cho liếm đá muối bằng một loại nước dinh dưỡng do mình tự chế từ các loại rau củ để tăng sức đề kháng, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa hạn chế lây lan dịch bệnh ra cả đàn khi chẳng may một con mắc bệnh…
Những sản phẩm của Hợp tác xã nông sản an toàn Núi Mây tại Phiên chợ xanh khởi nghiệp.
Chị Thoa kể, thời gian đầu không mấy người hài lòng đâu. Họ - những nông dân đã cả đời sống với những thói quen, truyền thống, giờ phải nghe một cô ở phố chưa bao giờ chăn đàn dê nào hướng dẫn cách chăn nuôi, chăm sóc - thì mấy người tin được. Chị Thoa thuyết phục những hộ gia đình trẻ làm trước, dần dà, một nhà làm thử thấy đàn dê phát triển khỏe mạnh, rồi nhiều nhà học theo. Đến thời điểm này, 7 hộ thành viên hợp tác xã và hơn 20 hộ liên kết đều áp dụng theo cách chăn nuôi này.
Không tập trung nuôi để xuất bán thịt hơi theo kiểu nhỏ lẻ, Hợp tác xã nông sản an toàn Núi Mây cũng là đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con và cung cấp cho thị trường những sản phẩm liên quan. Từ thịt dê tươi hút chân không, thịt dê muối, thịt dê xông khói đến nước thịt dê hầm dành cho bà mẹ nuôi con nhỏ hay những người mới ốm dậy cần bồi bổ sức khỏe…
Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Thị Thoa cười, mục tiêu của mình là không bỏ đi thứ gì cả, ngay cả phân dê. Phân dê được hợp tác xã thu gom, rồi trộn lẫn cùng với các loại phân trâu, bò, gà, ủ khoảng 6 tháng rồi cho vào lò quay ly tâm để xử lý toàn bộ nấm mốc, sau đó nén thành viên thành phân bón vi sinh. Loại phân bón này chủ yếu dùng cho hoa, cây cảnh. Hiện, Hợp tác xã nông sản an toàn Núi Mây đang liên kết với một số nhà vườn để thử trên các loại rau, cây ăn quả trước khi phân phối rộng rãi ngoài thị trường.
Ngay cả nước giặt, nước rửa bát, kem đánh răng, chị Thoa cũng học cách làm từ chính các loại rau củ. Mệnh lệnh từ trái tim của người mẹ đã giúp chị và các sản phẩm của hợp tác xã được người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ đón nhận. Chị Thoa khoe, các sản phẩm hợp tác xã khi đem đến Phiên chợ xanh khởi nghiệp ở Hà Nội được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Đây chính là điểm tựa để chị tiếp tục với con đường mình đã chọn.
Không phải đam mê nhất thời
Không phải là xu hướng nhất thời, cũng không chịu tác động của một vài câu chuyện truyền cảm hứng từ mạng xã hội, những người trẻ tôi gặp đều có những định hướng chi tiết, bài bản, để không thất bại khi về sống với ruộng đồng.
Những ngày còn ở quê, vợ chồng anh Nguyễn Đình Tâm, chị Phúc Thị Hương, thị trấn Na Hang chỉ mong sao có thể rời đất mẹ, chuyển về thành phố để con cái có điều kiện được tiếp cận tốt hơn với chuyện học hành.
Rời quê, cuộc sống còn nhiều bấp bênh, vợ chồng chị học thêm nghề làm nem nắm, nem chua… để tăng thêm thu nhập. Khách quen đông dần, từ những món nhậu chỉ bán nhiều vào những ngày cuối tuần và phục vụ online, anh chị thuê người nấu thêm nhiều món ăn hàng ngày. Thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020, khi chương trình Mỗi xã một sản phẩm bắt đầu được triển khai sâu rộng tại tỉnh, vợ chồng anh Tâm quyết định mở một cửa hàng bán, giới thiệu các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Và may mắn, lượng khách ổn định đến giờ. Anh chị vừa mở thêm một cơ sở tại trục đường Tân Trào để nhiều khách hàng có thêm lựa chọn.
Đàn lợn của Hợp tác xã nông sản an toàn Tâm Hương được nuôi theo hướng hữu cơ.
Những ngày cuối tuần, hai vợ chồng chạy xe khắp từ Sơn Dương đến Lâm Bình, đặt hàng những nông sản sạch, đảm bảo chất lượng để chuyển về cửa hàng phục vụ người tiêu dùng. Sau nhiều tháng đi lại, thấy đây không phải là cách để đi đường dài, vợ chồng anh Tâm quyết định dốc toàn bộ vốn liếng, cải tạo lại diện tích đất đồi chưa kịp bán ở Na Hang để chăn thả lợn, gà, trồng rau củ quả theo hướng hữu cơ. Tháng 1-2021, Hợp tác xã nông sản an toàn Tâm Hương ra đời.
Trang trại hơn 3 ha từ một vùng đất hoang cằn, giờ đã bắt đầu thay da đổi thịt. Những đồi keo mướt mắt phủ bóng để vừa giữ nước, điều hòa không khí, vừa có không gian để thả gà, thả lợn; những đồi chuối cũng đã lên thẳng để cung cấp thức ăn thô cho đàn vật nuôi. Trước nhà, anh chị đào ao thả cá, ốc và bắt đầu cải tạo lối lên nhà bằng sắc hoa rực rỡ.
Dẫn khách đi thăm một vòng trang trại đã được chia thành từng ô khoa học, chị Phúc Thị Hương chia sẻ, hiện Hợp tác xã đã có tổng đàn hơn 300 con lợn, chủ yếu là lợn rừng lai, lợn siêu nạc được nuôi hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Thức ăn của đàn lợn chủ yếu là ngô, sắn, chuối, vỏ lạc được nghiền nhỏ, tính theo cân nặng của từng con để tính khẩu phần. Gà cũng đã vào chuồng trên 500 con, tập trung chủ yếu là gà lấy trứng và gà thịt. 3 ao trước nhà được thả ốc nhồi, ốc ruộng và cá chép ruộng. Chị Hương cho biết, mặc dù nuôi hữu cơ lợn gà lớn chậm hơn, nhưng chất lượng thịt thơm ngon hơn, chắc hơn, đây cũng là tiêu chí của Hợp tác xã: “Sạch từ trang trại đến bàn ăn”.
Chị Phúc Thị Hương vừa chăn đàn lợn, vừa cười chia sẻ, ngày trước đọc thơ của Nguyễn Thị Việt Hà, mình cũng từng ước về già sẽ trở về quê trồng rau nuôi gà, nên cứ lần lữa chuyện bán mảnh đất ở quê. Giờ thì không phải ước nữa, có hoa, có lợn, có gà rồi, mình cứ vừa làm vừa chờ tuổi già thôi.
Những người trẻ rời phố thị, khởi nghiệp với giấc mơ nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh giờ không phải là câu chuyện hiếm nữa. Từ chàng kỹ sư cơ điện Nguyễn Việt Lâm về Kháng Nhật (Sơn Dương) trồng rau, quả thủy canh; hai chàng kỹ sư cơ khí Vũ Văn Sơn, Nông Quốc Doanh về Phù Lưu (Hàm Yên) trồng dưa lưới “5 không”; hay câu chuyện cô sơn nữ người Tày Nguyễn Thị Cẩm Ly bỏ công việc tài chính ngân hàng về liên kết trồng cam sạch, tiêu thụ các nông sản OCOP cho người nông dân Tuyên Quang… Nhiều người đã gặt hái những quả ngọt, nhiều người vẫn chật vật với bước đi họ đã chọn, nhưng không ai trong số họ muốn từ bỏ và dừng chân.
Gửi phản hồi
In bài viết