Trải qua hơn 60 năm, lời phát động "Tết trồng cây" của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị, trở thành một phong trào sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống. "Tết trồng cây" không chỉ đơn thuần để có thêm cây xanh, phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải tạo môi trường sống của con người… mà "Tết trồng cây" còn góp phần giáo dục cho mỗi người, nhất là lớp trẻ lòng yêu quý, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái nói chung và cây xanh nói riêng, nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân đối với cộng đồng. Trước kia, ở vùng nông thôn đều có “Vườn quả Bác Hồ” do các cụ Phụ lão đảm nhận. Khắp các đường làng đều rợp bóng cây nhờ có phong trào “Hàng cây em chăm”… đã góp phần không nhỏ vào việc tạo môi trường sống trong lành cũng như giáo dục tình yêu thương của con trẻ đối với cây xanh, môi trường sống.
Thực tế, việc trồng rừng, trồng cây xanh có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo vệ môi trường sống, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho người dân. Tuy nhiên thực tế trong mấy năm gần đây, việc tổ chức "Tết trồng cây" ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã có xu hướng mang tính phô trương, hình thức. Việc lựa chọn cây trồng chưa phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu và dân cư từng vùng, ít trồng các loại cây bóng mát, cây tạo cảnh quan kết hợp với phát triển kinh tế bền vững. Mặt khác, việc trồng cây chưa gắn với việc chăm sóc, bảo vệ cây cho nên ở một số nơi tỷ lệ cây trồng sống đạt thấp, gây lãng phí thời gian, công sức....
Thực hiện Tết trồng cây theo lời dạy của Bác Hồ và hưởng ứng Chương trình một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ phát động, mỗi người hãy tự trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh ở gia đình, cơ quan, công sở, địa phương một cách phù hợp, hiệu quả nhất. Nếu mỗi người chúng ta khi tham gia Tết trồng cây đều làm theo cách của Bác, tức là không trồng cây to, trồng và tự tay chăm sóc vun xới hàng ngày cho cây sống khỏe, phát triển thì chắc chắn sẽ hình thành sự quan tâm, gửi gắm niềm tin vào những cây mình trồng, từ đó mà tạo nên tình yêu, ý thức bảo vệ cây cối và thiên nhiên, môi trường, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp của mỗi người.
Cùng với đó, cần có những nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, xã hội của từng vùng, từng địa phương để có thể chọn tạo những loài cây, giống cây trồng phù hợp, nhất là những giống cây bản địa gắn với hệ sinh thái tự nhiên; những loài cây có khả năng phục hồi, cải tạo môi trường hoặc những loại cây phù hợp với đô thị... góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch. Cũng cần tính đến hiệu quả sử dụng phù hợp của từng loại cây đối với từng không gian công cộng như đường phố, công viên, không gian công cộng. Khi xây dựng khu đô thị mới, các công trình cần chú trọng đến việc trồng cây xanh trước khi đưa vào sử dụng. Dọc các tuyến đường có thể nghiên cứu trồng các cây bản địa như đào, mơ, mận, lê… tạo cảnh quan đẹp, hấp dẫn khách du lịch vừa bảo vệ, phát triển rừng một cách bền vững.
Một mùa xuân mới lại về, khắp nơi đều phát động Tết trồng cây theo lời dạy của Bác Hồ. Mỗi chúng ta cố gắng hãy trồng, chăm sóc, bảo vệ ít nhất vài ba cây xanh trở lên là hành động thiết thực hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh với thông điệp "Vì một Việt Nam xanh" mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động, góp phần tích cực vào mục tiêu trồng 70 triệu cây xanh (trong đó 3 triệu cây xanh phân tán và 67 triệu cây trồng rừng tập trung) của tỉnh ta trong giai đoạn 2021-2025.
Gửi phản hồi
In bài viết