Bài cuối: "Chắp cánh” cho nông nghiệp, nông thôn
Động lực mới của người nông dân
Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh được xem là động lực mới, tháo gỡ được những “nút thắt” về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết, đa giá trị của người nông dân. Nghị quyết góp phần mạnh mẽ khơi sức dân, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Năm 2012, anh Lại Tiến Sơn, thôn Tứ Thể, xã Đại Phú (Sơn Dương) nhận thầu hồ Hoa Lũng diện tích trên 27 ha. Ba năm đầu tiên sau khi thầu, anh Sơn thả khoảng 40 tấn cá giống. Đến thời điểm cá được xuất bán, lượng cá thịt phải xuất bán nhiều trong khi tiêu thụ chậm, giá bán cá thịt trên thị trường lên - xuống khiến việc nuôi cá thịt của gia đình anh Sơn gặp nhiều khó khăn. Anh đi học hỏi mô hình ở một số tỉnh lân cận về kỹ thuật làm chả cá, thế nhưng bước đầu chỉ làm thủ công, lọc xương cá bằng tay, công suất xay nhỏ, mỗi mẻ chỉ xay được từ 1,5 - 1,8 kg, mỗi tháng bình quân anh xuất bán từ 1 tạ đến 1,5 tạ chả cá.
Đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thăm mô hình sản xuất chả cá của Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp, thủy sản Sơn Nga, xã Đại Phú (Sơn Dương).
Năm 2021, sau khi Nghị quyết số 03 ra đời, biết có chính sách hỗ trợ thành lập hợp tác xã mới, anh Sơn đã quyết định thành lập Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp, thủy sản Sơn Nga. Từ nghị quyết 03 của HĐND tỉnh, anh Sơn được hỗ trợ 50 triệu đồng thành lập mới HTX, đồng thời được hỗ trợ chi phí làm tem, nhãn mác cho sản phẩm chả cá. Anh cũng được hỗ trợ 70 triệu để đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại. Với sự hỗ trợ này, anh đã mua thêm máy vê viên, máy xay công nghiệp sử dụng biến tần, công suất xay 10kg/mẻ cá, tủ hấp, tủ đông lạnh, máy lọc xương cá.
Nhờ đó, các công đoạn để sản xuất chả cá được chuyên nghiệp hóa thay cho việc phải làm thủ công như trước đây. Năng suất, sản lượng sản xuất chả cá sản xuất ra thị trường tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, mô hình sản xuất chả cá của anh Sơn sản xuất 5 tạ chả cá/tháng, xuất bán đi các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành như Hà Nội, Hà Giang, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương, mức thu nhập từ 6 triệu - 8 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng trừ chi phí, anh Sơn thu lãi bình quân từ 60 triệu đồng - 70 triệu đồng.
Anh Sơn cho biết: “Nếu như không được tiếp cận chính sách hỗ trợ thiết thực từ Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh, chưa biết khi nào những khó khăn trong chăn nuôi cá thịt của anh mới được tháo gỡ”.
Năm 2016, chàng trai trẻ Vi Ngọc Anh, sinh năm 1992, tổ 6, thị trấn Na Hang (Na Hang) bắt tay vào nuôi cá lồng đặc sản trên hồ thủy điện Tuyên Quang. Vốn ban đầu chỉ có 100 triệu đồng nên mô hình của anh mới chỉ có 4 lồng cá. Anh chia sẻ, ban đầu mới bắt tay vào nuôi cá lồng đặc sản vừa thiếu vốn, vừa thiếu kỹ thuật nên mỗi tháng chỉ xuất bán ra thị trường 1 tấn cá thương phẩm. Vì không có vốn để đầu tư vào thức ăn nên khi cá được 3 - 4 tháng, trọng lượng của cá chưa cao, anh đã phải bán đi để lấy vốn tiếp tục quay vòng. Vì cá bán “non” nên trọng lượng thấp, người thu mua ép giá, thu lời chẳng đáng là bao.
Đang lúc phân vân có nên chuyển đổi nghề thì Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh được ban hành. Anh được hướng dẫn thành lập Hợp tác xã Thủy sản Làng Chài, với các chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX và chính sách hỗ trợ nuôi cá đặc sản của Nghị quyết này, anh được hỗ trợ 600 triệu đồng. Chẳng khác gì được “hà hơi tiếp sức”, anh đầu tư mở rộng quy mô lồng cá lên tới 32 lồng. Có nguồn vốn, anh đầu tư đi học tập kỹ thuật nuôi cá đặc sản. Đồng thời không phải bán cá sớm để quay vòng mà có vốn đầu tư nuôi cá đạt trọng lượng từ 6 - 7 kg mới xuất bán. Hiện nay, mỗi tháng, mô hình nuôi cá đặc sản của anh xuất bán ra thị trường từ 2 đến 3 tấn cá, thu nhập từ 200 triệu đồng - 300 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương. Anh Vi Ngọc Anh chia sẻ: “Chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh đã giúp mình tự tin với mô hình nuôi cá đặc sản và trụ vững với nghề này”.
Bứt phá mạnh mẽ
Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh tăng trưởng bền vững, ổn định. Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,37% so với năm 2021. Từ nghị quyết, nhiều hộ dân đã được thụ hưởng.
Mô hình nuôi cá lồng quy mô 32 lồng cá đặc sản của chàng trai Vi Ngọc Anh, tổ 6, thị trấn Na Hang (Na Hang) được hỗ trợ vốn từ Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang.
Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 20/21 nội dung chính sách hỗ trợ theo nghị quyết. Kinh phí hỗ trợ đã giải ngân trên 19 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ lãi suất tín dụng gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi trên 9 tỷ đồng, hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên 300 triệu đồng. Ngoài ra đã hỗ trợ xây dựng và quản lý nhãn hiệu, cấp mã số, mã vạch đối với 19 sản phẩm; hỗ trợ đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn đối với 1 sản phẩm; hỗ trợ chi phí tư vấn thực hiện chương trình OCOP đối với 45 sản phẩm; hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP để thực hiện 51 sản phẩm; hỗ trợ 33 HTX thành lập mới; hỗ trợ xây dựng 19,25 km đường giao thông ngõ, xóm; hỗ trợ 28 vườn mẫu và 16 thôn nông thôn mới kiểu mẫu với kinh phí hỗ trợ trên 6 tỷ đồng.
Nghị quyết số 03 đã “chắp cánh” cho nông, lâm nghiệp, thủy sản của Tuyên Quang bứt phá mạnh mẽ. Ở nhiều địa phương trong tỉnh, người dân đã chuyển đổi từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tư duy sản xuất theo chuỗi hàng hóa liên kết, đa giá trị, nâng cao sức cạnh tranh trong sản phẩm. Hiện nay, toàn tỉnh có 76 liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỷ lệ giá trị sản phẩm thông qua hình thức liên kết ước đạt trên 20% như: cam, chè, dược liệu, cá, gỗ rừng trồng; có 44 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, 75 hợp tác xã, 16.607 hộ gia đình tham gia hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ 20 loại sản phẩm nông sản. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP, trong đó nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao có 3 sản phẩm, nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao có 1 sản phẩm và có 107 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ, có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, 3 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý là Cam sành Hàm Yên, Bưởi Soi Hà, Chè Shan tuyết Na Hang. Bình quân, mỗi năm, tỉnh hỗ trợ trên 2,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao theo Nghị quyết số 03, tương đương diện tích trên 2 nghìn ha rừng. Toàn tỉnh hiện có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện toàn tỉnh có trên 2.200 lồng nuôi cá trên sông, hồ thủy điện, trong đó có 50% số lồng nuôi cá đặc sản và 10 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp chứng nhận nuôi trồng thủy sản VietGap.
Bức tranh đầy khởi sắc của nông nghiệp Tuyên Quang hôm nay đã khẳng định sự tác động tích cực và hiệu quả từ các cơ chế, chính sách, nghị quyết ưu tiên cho phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh. Việc triển khai nghị quyết này đến năm 2025 chắc chắn sẽ mang lại nhiều bứt phá hơn nữa cho nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới của Tuyên Quang, góp phần đưa Tuyên Quang sớm trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết