Thu hoạch ngô ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Cụ thể, theo thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc, ngân sách trung ương cấp phát kinh phí 20 tỷ nhân dân tệ, dùng để chi trợ cấp một lần cho nông dân trực tiếp tham gia sản xuất lương thực, nhằm giảm tác động bởi gánh nặng tăng giá thành sản xuất lương thực do giá cả các loại vật tư nông nghiệp tăng cao, ổn định thu nhập của nông dân, khuyến khích người nông dân tích cực tham gia sản xuất lương thực.
Đối tượng được hưởng trợ cấp là nông dân trồng lương thực trên thực tế, bao gồm nông dân canh tác trên mảnh đất của chính mình và các chủ thể kinh doanh nông nghiệp kiểu mới như hộ trồng trọt lớn, trang trại gia đình, hợp tác xã nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp sử dụng đất chuyển nhượng để sản xuất lương thực.
Mức trợ cấp được xác định dựa trên đặc thù của các địa phương, bảo đảm thống nhất tiêu chuẩn trợ cấp trong phạm vi một huyện, bảo đảm công khai thông tin và áp dụng hình thức trợ cấp qua thẻ ngân hàng, kịp thời cấp phát đến người nông dân trực tiếp tham gia sản xuất lương thực, góp phần phát huy tính tích cực, chủ động của người nông dân.
Những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc rất coi trọng an ninh lương thực với việc xác định mục tiêu phải giữ được diện tích canh tác 1,8 tỷ mẫu (1 ha bằng 15 mẫu Trung Quốc) trên phạm vi cả nước, cùng nhiều giải pháp đồng bộ để khuyến khích nông dân và các chủ thể tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Báo cáo công tác Chính phủ năm 2022 xác định giữ ổn định sản lượng lương thực cả nước ở mức 650 triệu tấn, để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực trong nước.
Gửi phản hồi
In bài viết