Theo thông tin từ báo chí Trung Quốc, kế hoạch này sẽ tạo tiền đề cho việc các nhà du hành vũ trụ nước này có mặt tại Mặt trăng, để triển khai việc xây dựng một trạm nghiên cứu khoa học quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu của sứ mệnh hàng không vũ trụ này, Trung Quốc đang đẩy mạnh nghiên cứu và chế tạo các tên lửa hạng nặng và tên lửa có người lái thế hệ mới.
Theo ông Ngô Vĩ Nhân, nhà thiết kế chính của chương trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc, viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc (CAE), chương trình thám hiểm Mặt trăng được chia làm 4 giai đoạn; sau nhiều năm nghiên cứu và đánh giá, giai đoạn thứ tư đã chính thức được khởi động từ cuối năm 2021, với mục tiêu chính là triển khai khám phá khoa học về cực nam của Mặt trăng, định hình cấu trúc cơ bản của trạm nghiên cứu khoa học về Mặt trăng.
Ông Ngô Vĩ Nhân cho biết, thời gian tới, Trung Quốc sẽ lần lượt thực hiện 3 nhiệm vụ là phóng các tàu vũ trụ Hằng Nga 6, Hằng Nga 7 và Hằng Nga 8 lên Mặt trăng, dự kiến hoàn thành trước năm 2030. Hiện nay, công tác nghiên cứu và chế tạo đang được tiến hành thuận lợi.
Những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư và đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ với kế hoạch xây dựng xong trạm vũ trụ Thiên Cung trong năm nay. Trong lĩnh vực thám hiểm Mặt trăng, từ năm 2004, Trung Quốc khởi động chương trình thám hiểm có tên gọi "Hằng Nga" chia làm các giai đoạn: thám hiểm không người lái, thám hiểm có người lái và xây dựng trạm nghiên cứu khoa học.
Theo đó, trạm nghiên cứu khoa học quốc tế về Mặt trăng sẽ là một cơ sở thực nghiệm khoa học tổng hợp có thể tự chủ hoạt động trong thời gian dài, để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đa ngành, đa mục tiêu như khám phá và sử dụng bề mặt và quỹ đạo của Mặt trăng, quan sát Mặt trăng, các thí nghiệm khoa học cơ bản và kiểm chứng kỹ thuật về Mặt trăng...
Gửi phản hồi
In bài viết