Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình
Đất nước đông dân nhất thế giới đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ trung bình. Theo thống kê, từ năm 2010 đến năm 2021, số người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc đã giảm 40 triệu, dự kiến từ nay đến năm 2025, mỗi năm nước này sẽ giảm khoảng 7 triệu người trong độ tuổi lao động.
Theo kết quả tổng điều tra dân số gần đây, Trung Quốc có tới 264 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 18,7% tổng dân số; trong đó 190 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 13,5% tổng dân số. Dự kiến trong giai đoạn 5 năm tới, số người cao tuổi ở Trung Quốc sẽ vượt 300 triệu. Liên hợp quốc từng dự báo, với đà này, đến năm 2050, hơn một nửa dân số Trung Quốc sẽ ở độ tuổi từ 50 trở lên, già hóa dân số trở thành vấn đề hết sức cấp bách đối với xã hội Trung Quốc.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật Trung Quốc, độ tuổi về hưu đối với nam là đủ 60 tuổi, với nữ là đủ 55 tuổi. Quy định này áp dụng từ những năm 50 của thế kỷ trước, thời điểm mà tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc chỉ khoảng 50 tuổi; sau gần 70 năm khi tuổi thọ trung bình đã tăng lên hơn 77 tuổi, độ tuổi về hưu ở nước này vẫn chưa được điều chỉnh, hiện ở mức thấp so với trung bình thế giới.
Người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tại một viện dưỡng lão ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Nhân Dân Nhật báo)
Cùng với mức sống được nâng cao, tuổi thọ người dân cũng không ngừng cải thiện, kéo dài tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu. Đồng thời, đây cũng là một giải pháp quan trọng để đất nước 1,4 tỷ dân ứng phó với tình trạng già hóa dân số. Theo nội dung Quy hoạch mới công bố, Trung Quốc sẽ thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Tuy chưa nói rõ lộ trình cụ thể ra sao, nhưng theo lãnh đạo Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, phương án điều chỉnh sẽ tham khảo cách làm và kinh nghiệm phổ biến trên thế giới, đồng thời tính toán đến tình hình trong nước, truyền thống văn hóa và lịch sử.
Theo nhiều chuyên gia, độ tuổi về hưu sẽ được điều chỉnh tăng dần theo lộ trình, sau một khoảng thời gian quá độ, sẽ đạt tới độ tuổi cuối cùng theo mức phổ biến của thế giới, dự kiến có thể là 65 tuổi đối với nam, còn độ tuổi nghỉ hưu của nữ cũng sẽ được điều chỉnh tăng tương ứng.
Hiện nay, một số địa phương của Trung Quốc đã bắt đầu thí điểm việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động. Ở tỉnh Giang Tô, từ ngày 1/3, người lao động có thể nộp đơn với cơ quan quản lý lao động và an sinh xã hội, để tự nguyện kéo dài thời gian lao động thêm ít nhất 1 năm. Còn chính quyền tỉnh Sơn Đông cho phép chuyên gia và lao động tay nghề cao đăng ký kéo dài thời gian lao động thêm 1 đến 3 năm, nhưng độ tuổi về hưu không quá 65 tuổi.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Ngoài việc điều chỉnh tăng độ tuổi về hưu theo lộ trình, Quy hoạch mà Quốc vụ viện mới thông qua còn xác định các yêu cầu, mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu để thúc đẩy liên kết phát triển sự nghiệp người cao tuổi và ngành nghề kinh tế, đẩy mạnh phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc người già, nhằm giải quyết bài toán lớn đang đặt ra là quy mô dân số cao tuổi lớn, tốc độ già hóa nhanh và cơ cấu nhu cầu của người cao tuổi ngày càng đa dạng.
Về mục tiêu trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ mở rộng nguồn cung dịch vụ chăm sóc người già, hoàn thiện hệ thống hỗ trợ sức khỏe, thúc đẩy liên kết đổi mới phát triển nhiều loại hình dịch vụ hướng tới đối tượng người cao tuổi, xây dựng môi trường xã hội thích hợp và thân thiện với người cao tuổi; đồng thời đề ra 9 chỉ tiêu chủ yếu về số giường bệnh phục vụ chăm sóc người cao tuổi, mở rộng quy mô các cơ sở dưỡng lão..., nhằm thúc đẩy toàn xã hội tích cực ứng phó với tình trạng già hóa dân số, nâng cao chỉ số hạnh phúc và an toàn cho người cao tuổi.
Đáng chú ý, Trung Quốc dự kiến xây dựng mạng lưới cơ sở dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đến tận khu dân cư, với mục tiêu đến năm 2025, 60% đơn vị xã, phường, thị trấn có trung tâm dịch vụ chăm sóc người già, để có thể cung cấp dịch vụ chỉ 15 phút sau khi nhận được yêu cầu. Khuyến khích và hướng dẫn các doanh nghiệp dịch vụ quản lý tòa nhà, dịch vụ bán lẻ và cơ sở công tác xã hội bổ sung chức năng dịch vụ cho người cao tuổi, như mua sắm nhu yếu phẩm, cung cấp đồ ăn, giúp việc gia đình, hỗ trợ khám chữa bệnh và chăm sóc tâm lý...
Trung Quốc xác định sẽ ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, thúc đẩy các mô hình kết hợp Internet với điều trị, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, phát triển dịch vụ kết hợp điều trị và chăm sóc sức khỏe thông minh hướng tới gia đình, khu dân cư và các cơ sở dưỡng lão. Đặc biệt, quy hoạch một số vùng trọng điểm phát triển kinh tế dịch vụ hướng tới người cao tuổi, trong đó có khoảng 10 khu công nghiệp-dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người cao tuổi tại các vùng miền trong cả nước.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, Trung Quốc kỳ vọng sẽ xây dựng xã hội thân thiện với người cao tuổi, khai thác được tiềm năng và thế mạnh về kiến thức, kinh nghiệm của người cao tuổi trong đời sống kinh tế-xã hội, tích cực ứng phó và thích nghi với xu hướng già hóa dân số sẽ ngày càng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết