Là nơi cung cấp những sản phẩm thân thiện với môi trường và đi đầu trong quảng bá tre như một giải pháp thay thế cho nhựa, huyện An Cát (thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang) với diện tích rừng tre hơn 66.000 héc ta đã đưa tre vào các lĩnh vực như xây dựng, trang trí, nội thất, bao bì, dệt may và sản phẩm dùng một lần trên khắp Trung Quốc.
Chen Jie, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp tre (BIDC) cho biết, với khả năng cô lập carbon đặc biệt, tre là vật liệu lý tưởng đối với các hoạt động xanh và bền vững. Ước tính, việc sử dụng 100 triệu tấn tre thay thế các sản phẩm nhựa PVC có thể giảm khoảng 600 triệu tấn khí thải carbon.
Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OCED) dự đoán, đến năm 2060, sản lượng sản phẩm nhựa hằng năm trên toàn cầu có thể tăng vọt lên khoảng 1,2 tỷ tấn, gần gấp 3 lần mức hiện tại. Nghiên cứu cảnh báo, nếu tỷ lệ tái chế không được cải thiện, khối lượng rác thải nhựa cũng có thể tăng gần gấp 3 vào cùng thời điểm.
Các sản phẩm có nguồn gốc từ tre là lựa chọn thay thế hiệu quả đối với sản phẩm nhựa dùng một lần. Ảnh: Tân Hoa xã.
Các chuyên gia ủng hộ sử dụng tre thay nhựa để giảm thiểu việc sử dụng nhựa và tình trạng ô nhiễm nhựa. Dữ liệu cho thấy, năm 2021, diện tích rừng tre của Trung Quốc đạt khoảng 7,56 triệu héc ta, chiếm 3,31% tổng diện tích rừng toàn quốc. Với hơn 10.000 doanh nghiệp chế biến tre, giá trị ngành tre của quốc gia này đã tăng từ 82 tỷ nhân dân tệ năm 2010 lên 415,3 tỷ nhân dân tệ năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm trên 30%.
Tháng 11-2023, Chính phủ Trung Quốc phối hợp với Tổ chức Mây tre đan quốc tế (IBRO) đưa ra Kế hoạch hành động toàn cầu về tre thay thế nhựa giai đoạn 2023-2030, với nội dung kêu gọi các tổ chức quốc tế, cơ quan chính phủ cũng như tổ chức nghiên cứu và giáo dục trên toàn thế giới cùng chung tay giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Hàng triệu héc ta rừng tre đóng vai trò quan trọng đối với những nỗ lực kiểm soát ô nhiễm nhựa của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.
Để tiếp tục kiểm soát ô nhiễm nhựa, Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch hành động 3 năm nhằm thúc đẩy phát triển tre thay thế nhựa. Kế hoạch đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về thiết lập một hệ thống công nghiệp và áp dụng những thay đổi để nâng cao chất lượng, sự đa dạng, quy mô, cũng như lợi ích tổng thể của các sản phẩm tre đến năm 2025.
Huyện An Cát đã thể hiện vai trò tiên phong khi tăng số lượng bộ đồ ăn bằng tre lên hơn 6.000 bộ, bao phủ gần 300 khách sạn, qua đó giúp giảm hơn 3,5 triệu bộ đồ nhựa dùng một lần. Với diện tích rừng tre ổn định vào khoảng hơn 1 triệu héc ta, Giang Tây đặt mục tiêu đạt 100 tỷ nhân dân tệ giá trị sản lượng ngành công nghiệp tre của tỉnh vào năm 2025. Tỉnh Phúc Kiến cũng kỳ vọng đạt tổng giá trị sản lượng 120 tỷ nhân dân tệ, với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm trên 10%.
Wang Yixiang, Giáo sư Đại học Nông Lâm Chiết Giang nhận định, tre là một ngành công nghiệp mới nổi. Dù với quy mô công nghiệp nhỏ, chi phí cao, công nghệ và thiết bị tương đối lạc hậu nhưng tiềm năng thực sự của tre trong vai trò thay thế nhựa nằm ở việc phát huy hơn nữa giá trị của loại vật liệu này thông qua những tiến bộ công nghệ. Ông cũng tin rằng, việc thúc đẩy sáng kiến tre thay thế nhựa sẽ hiệu quả để kiểm soát ô nhiễm nhựa ở Trung Quốc và dự kiến là giải pháp quản lý ô nhiễm nhựa toàn cầu.
Gửi phản hồi
In bài viết