Báo cáo vừa được công bố đã cho thấy một bức tranh tàn khốc, trong đó nêu bật tình trạng nghèo đói trầm trọng ở trẻ em - mô tả những đứa trẻ đang sống sót dựa vào chế độ ăn thiếu thốn nghiêm trọng với 2 nhóm thực phẩm hoặc thậm chí ít hơn.
UNICEF khuyến nghị trẻ nhỏ nên ăn các loại thực phẩm hằng ngày thuộc 5 trong 8 nhóm chính. Tuy nhiên, 440 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tại khoảng 100 quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình đang sống trong tình trạng thiếu thốn lương thực. Điều này đồng nghĩa với việc các em không được tiếp cận 5 nhóm thực phẩm thiết yếu mỗi ngày.
Trong số đó, 181 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, tương đương 1/4 số trẻ em ở độ tuổi này trên toàn cầu, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng do chỉ ăn tối đa 2 nhóm thực phẩm.
Giám đốc UNICEF Catherine Russell cho biết, những đứa trẻ chỉ tiêu thụ 2 nhóm thực phẩm mỗi ngày như gạo và sữa có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và đối diện nguy cơ tử vong. Ngay cả khi sống sót, những trường hợp này chắc chắn không thể phát triển đầy đủ.
Hơn 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Ảnh: Reuters
“Khi trưởng thành, các em sẽ khó có thu nhập tốt. Điều này khiến vòng tròn nghèo đói nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác”, bà Catherine Russell lo ngại.
Theo AFP, tình trạng nghèo đói nghiêm trọng ở trẻ em tập trung tại khoảng 20 quốc gia, với tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Somalia, nơi 63% trẻ nhỏ bị ảnh hưởng. Tiếp theo là các quốc gia Guinea (54%), Guinea-Bissau (53%) và Afghanistan (49%). Mặc dù không có dữ liệu về các quốc gia giàu có, nhưng trẻ em trong các hộ gia đình có thu nhập thấp cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.
Báo cáo của UNICEF cũng đề cập tới tình hình hiện tại ở Gaza, nơi xung đột giữa Israel và Hamas đã khiến hệ thống lương thực và y tế sụp đổ. Dữ liệu thống kê từ tháng 12 đến tháng 4 năm nay cho thấy, cứ 10 trẻ em thì có 9 em sống trong tình trạng nghèo đói trầm trọng.
Dù dữ liệu không nhất thiết mang tính đại diện nhưng vẫn chỉ ra điều mà UNICEF đánh giá là “sự leo thang kinh khủng về tình trạng thiếu dinh dưỡng kể từ năm 2020, thời điểm chỉ có 13% trẻ em ở Gaza sống trong cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng”.
Trên toàn thế giới, UNICEF ghi nhận “tiến bộ chậm chạp ở thập kỷ qua” trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực. Tổ chức này kêu gọi cung cấp các dịch vụ xã hội tốt hơn và tăng cường viện trợ nhân đạo cho những trẻ em dễ bị tổn thương nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết