Động thái của Hungary đang tạo tiền đề cho một cuộc đối đầu tại Hội nghị Thượng đỉnh EU trong tuần này và đẩy Ukraine vào thế khó.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên phải) đón Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại thủ đô Paris, ngày 7-12.
Các nhà lãnh đạo EU sẽ tổ chức cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ) vào ngày 14 và 15-12 để đưa ra các quyết định về đề xuất gói hỗ trợ kinh tế trị giá 50 tỷ euro và gói hỗ trợ khác trị giá 20 tỷ euro cho Ukraine, đồng thời khởi động đàm phán tiến trình gia nhập EU của nước này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, ông không ủng hộ việc tiến tới các cuộc đàm phán về tư cách thành viên tương lai của Ukraine trong EU. Điều này một lần nữa cho thấy, Hungary có thể tạo ra trở ngại lớn cho tham vọng gia nhập khối của Ukraine.
Phát biểu với Báo Le Point, Thủ tướng Viktor Orban nói: “Thứ nhất, Ukraine chưa sẵn sàng các điều kiện cho các cuộc đàm phán gia nhập EU. Thứ hai, bởi chúng ta, EU, chưa sẵn sàng chào đón họ”.
Theo nhà lãnh đạo Hungary, báo cáo của Ủy ban châu Âu chỉ ra rằng, Ukraine đã hoàn thành 4 trong số 7 điều kiện sơ bộ để tham gia đàm phán gia nhập EU là sai sự thật.
Trong bức thư gửi người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel tháng trước, ông Viktor Orban nhấn mạnh, EU sẽ không thể thông qua quyết định nào về việc viện trợ cho Ukraine, đàm phán kết nạp nước này vào khối hay áp thêm lệnh trừng phạt với Nga nếu các lãnh đạo chưa nhất trí về việc xem xét lại toàn bộ chiến lược hỗ trợ của khối với Ukraine. Ông cũng đặt câu hỏi tại sao châu Âu tiếp tục hỗ trợ Ukraine vào thời điểm mà Mỹ, quốc gia viện trợ chính cho Ukraine, có thể phải ngừng tài trợ do tranh cãi đảng phái tại quốc hội.
Dưới thời nhà lãnh đạo Viktor Orban, Hungary thường làm phức tạp các nỗ lực của EU nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với nước Nga.
Thủ tướng Hungary cho rằng, các nhà lãnh đạo EU trước tiên nên đánh giá kỹ lưỡng về việc Ukraine khi trở thành thành viên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự gắn kết và chính sách nông nghiệp trong khối.
Ông Viktor Orban lập luận rằng, chấp nhận Ukraine sẽ đồng nghĩa với việc ngân sách EU phải trả thêm chi phí và tác động sâu sắc đến chính sách nông nghiệp. Ukraine là một quốc gia rộng lớn với ngành Nông nghiệp là một trong những trụ cột của nền kinh tế. Nếu không chuyển đổi hệ thống trợ cấp nông nghiệp, EU không thể tiếp nhận Kiev bởi hậu quả sẽ rất nặng nề.
Dòng ngũ cốc Ukraine quy mô lớn tràn vào EU đã gây ra các cuộc biểu tình của nông dân ở Đông Âu vào năm ngoái, trong khi các tài xế xe tải Ba Lan đã phong tỏa một số cửa khẩu biên giới, kêu gọi EU khôi phục giấy phép hạn chế quá cảnh đối với các đối thủ cạnh tranh từ Ukraine.
Theo tờ Le Monde (Pháp), Hội nghị Thượng đỉnh EU trong hai ngày tới ‘‘rất rủi ro’’ cho Ukraine. Bất cứ quyết định nào đều cần có sự nhất trí từ toàn bộ 27 nước thành viên, trong đó có Hungary. Chính vì vậy, sự phản đối từ Hungary có thể khiến quá trình này trở nên phức tạp hơn.
Giới quan sát cho rằng, Hungary đang gây áp lực với EU nhằm thúc đẩy việc giải ngân khoảng 13 tỷ euro tài trợ cho nước này. Lục địa già dự kiến sẽ giải phóng 10 tỷ euro trong khoảng 30 tỷ euro tiền phong tỏa từ Hungary sau khi có ý kiến rằng, quốc gia Đông Âu này đã tiến hành cải cách để bảo đảm tính độc lập của hệ thống tư pháp theo yêu cầu của EU. Nhưng số tiền đó khó có thể thuyết phục Hungary thay đổi hướng đi trong tuần này. Các nguồn tin cho biết, EU lo ngại đến mức đang lên phương án thực hiện các kế hoạch B và C.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc tiếp đón Thủ tướng Viktor Orban tại Paris ngày 7-12 để vận động Hungary không sử dụng quyền phủ quyết trong các vấn đề liên quan đến Ukraine nhằm bảo đảm sự thống nhất trong EU. Tuy nhiên, nỗ lực này của ông Emmanuel Macron chưa mang lại kết quả trọn vẹn khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban tỏ ra kiên quyết phản đối việc đàm phán gia nhập liên minh của Ukraine.
Phát biểu của Thủ tướng Hungary Viktor Orban vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm khi các lực lượng vũ trang của Kiev đang nỗ lực giành lợi thế trước quân đội Nga.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, tương lai của cả Ukraine và EU sẽ “tàn khốc”, nếu EU không “bật đèn xanh” cho nước này gia nhập liên minh. Hơn thế, việc bảo đảm nguồn hỗ trợ tài chính mới từ châu Âu là rất quan trọng khi có nhiều nghi ngờ về sự hỗ trợ trong tương lai của Mỹ dành cho Ukraine - quốc gia phụ thuộc nhiều vào viện trợ tài chính của phương Tây trong cuộc xung đột với Nga đã kéo dài qua 21 tháng mà chưa có hồi kết.
Gửi phản hồi
In bài viết