Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, truyền thông Trung Quốc liên tục có nhiều bài viết đánh giá, phân tích quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam.
Mối quan hệ láng giềng hữu nghị
Ngày 11/12, Tân Hoa Xã đăng bài phỏng vấn ông Tống Thanh Nhuận, giáo sư Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng hữu nghị, núi liền núi, sông liền sông. Hai bên tăng cường giao lưu hợp tác sẽ có lợi cho người dân hai nước và khu vực.
Ông Tống Thanh Nhuận nhận định, hơn 10 văn kiện hợp tác mà hai bên đã ký trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 bao trùm nhiều lĩnh vực liên quan đến đời sống của người dân như: đầu tư, kinh tế-thương mại, du lịch-văn hóa, xuất nhập khẩu hàng nông sản.... Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác và trao đổi giữa hai nước. Cụ thể, Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023-2027 đã đem lại luồng gió mới cho ngành du lịch Việt Nam.
Những năm gần đây, hai nước đã phát huy ưu thế bổ sung ngành nghề cho nhau, mở rộng và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực trọng điểm, cùng nhau xây dựng hệ thống chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng ổn định và thông suốt, điều này có lợi cho tăng trưởng kinh tế ở mỗi nước, đem lại lợi ích cho người dân, đồng thời góp phần duy trì ổn định chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng ở khu vực.
Vị giáo sư Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh cho rằng, trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn, kinh tế khu vực và toàn cầu phục hồi chậm, hai nước tăng cường hợp tác phối hợp chiến lược, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, phù hợp với lợi ích căn bản của người dân hai nước, có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình và thúc đẩy phát triển chung ở khu vực và trên thế giới.
Thúc đẩy kết nối chiến lược
Ngày 12/12, Nhân dân Nhật báo đăng bài viết “Nhanh chóng thúc đẩy hợp tác, kết nối chiến lược giữa sáng kiến "Vành đai và Con đường" với "Hai hành lang, một vành đai"". Bài viết nhận định, những năm gần đây, hai nước đã phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý gần nhau, tính bổ sung ngành nghề đa dạng để nhanh chóng thúc đẩy hợp tác song phương.
Bài viết đã điểm lại 3 lĩnh vực hợp tác hiệu quả giữa hai nước. Đó là các chuyến tàu hàng liên vận quốc tế giúp trao đổi kinh tế-thương mại và đầu tư nhanh chóng hơn; các dự án điện gió giúp thúc đẩy chuyển đổi mô hình năng lượng; và dự án đường sắt đô thị giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.
Ảnh chụp màn hình bài viết trên Nhân Dân Nhật báo.
Kỳ vọng về tầm cao mới của quan hệ Trung-Việt
Trang mạng Global Times trong bài bình luận của với tiêu đề “Kỳ vọng quan hệ Trung-Việt sẽ lên tầm cao mới” nhấn mạnh, đây là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tiên sau 6 năm. Hai nước kỳ vọng sẽ xác định tầm vóc mới, định vị mới cho quan hệ Trung-Việt.
Cũng theo bài báo, từ tháng 10/2022 đến nay, các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Trung Quốc, đây là điều hiếm gặp trong quan hệ song phương giữa các nước trên thế giới, cũng chính là tầm cao và tính đặc thù của quan hệ Trung-Việt. Hiện tại, hai nước đều đang thúc đẩy sự nghiệp hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, đều coi quan hệ Trung-Việt là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi nước, và đều coi sự phát triển của nước kia là cơ hội của nước mình.
Tiềm năng hợp tác rất lớn
Khi trả lời phỏng vấn Thời báo Hoàn cầu, ông Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định, một trong những nội dung chính trong hợp tác kinh tế-thương mại Trung-Việt thời gian tới là lĩnh vực kinh tế số. Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhu cầu phát triển ngành năng lượng điện mặt trời, do vậy, tiềm năng hợp tác giữa hai nước rất lớn.
Ông Hứa Lợi Bình cho rằng, Trung Quốc coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu.
Còn ông Cổ Tiểu Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu ASEAN thuộc Học viện Nhiệt đới Hải Nam, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam cho biết, Việt Nam có vị trí đặc biệt trong hợp tác chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc với các nước. Hiện nay, Trung Quốc xuất khẩu nhiều nguyên phụ liệu hàng dệt may, linh kiện đồ điện tử sang Việt Nam rồi tái xuất đi Mỹ và EU. Chuỗi sản xuất này rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, tạo nguồn thu ngân sách cho Việt Nam, đồng thời cũng là cánh cửa để doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu ra thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết