Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Andrew Goledzinowski phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam).
Các kỷ nguyên cải cách chính sách và cơ cấu hiếm khi diễn ra trong lịch sử của các quốc gia. Nhưng khi xảy ra, thường kéo theo sau là những giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Đây là kinh nghiệm của Australia sau các cuộc cải cách vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990.
Ở Việt Nam cuối những năm 1980 là một giai đoạn thay đổi lớn lao, tạo điều kiện cho nhiều thập kỷ thành công. Một kỹ sư lớn tuổi người Việt Nam đã giải thích với tôi về quá trình đổi mới này, công cuộc này giống như một chiếc lò xo khổng lồ tạo nên sức bật cho nền kinh tế và xã hội Việt Nam trong nhiều năm. Ông cũng nói rằng, "cần một chiếc lò xo mới để thúc đẩy đất nước tiếp tục tiến bước".
Trong thời gian ở Việt Nam, tôi hiểu được tầm quan trọng của sự cân bằng và hài hòa. Điều này có nghĩa là sự cân bằng giữa sự đổi mới, sáng tạo và sự ổn định, tính liên tục. Tôi hiểu được rằng, trong lịch sử Việt Nam, ổn định là xu hướng chủ đạo, nhưng vẫn xen kẽ bởi các giai đoạn với những thay đổi quan trọng.
Tôi cảm thấy rằng, chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới của đổi mới và sáng tạo. Tôi cảm nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong toàn thể người dân rằng một giai đoạn mới là cần thiết.
Ngày 1/12 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu tại một hội nghị đặc biệt. Có nhiều điều đáng nghiên cứu trong bài phát biểu. Có một số điều khiến tôi chú ý ngay lập tức. Đầu tiên, bài phát biểu đề cập nhiều về hành động. Thay vì những lời kêu gọi thông thường về tăng cường đầu tư nước ngoài, cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng, trọng tâm của bài phát biểu là việc tạo ra những điều kiện cần thiết để thực hiện tất cả những điều này. Cuối cùng, ngôn ngữ trong bài phát biểu rất trực diện.
Trọng tâm trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm là về bộ máy của hệ thống chính trị và cách thức nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong vấn đề này, Trung tâm Việt-Úc (VAC) đã góp phần tạo điều kiện cho nhiều cuộc trao đổi, nghiên cứu về cải cách. Đối với tôi, phần nổi bật nhất của bài phát biểu là cam kết tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số.
Kỷ nguyên mới của Việt Nam đang dần hiện ra vào thời điểm mang tính quyết định. Tình hình thế giới đang trở nên thách thức hơn. Thế giới đang chứng kiến giai đoạn giảm thiểu rủi ro, chuỗi cung ứng bị đứt đoạn và có thể là thuế quan cao hơn. Điều này không lý tưởng cho các quốc gia chú trọng thương mại như Việt Nam và Australia. Nhưng Việt Nam vẫn có những lợi thế. Đó là sự quan tâm rất lớn tới Việt Nam khi mà các dòng vốn trên toàn cầu đang tìm kiếm điểm đến an toàn.
Tình hình địa chiến lược hiện nay đang phức tạp. Xung đột, căng thẳng và xu thế tập hợp lực lượng lan rộng khắp thế giới. Nền ngoại giao của Việt Nam được thế giới ngưỡng mộ. Trước sự cạnh tranh địa chính trị gia tăng, tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường đóng góp cho thế giới.
Việt Nam và Australia là các đối tác có những điểm khác biệt. Nhưng hơn 50 năm hợp tác đã tạo ra một mối quan hệ tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Hiện nay, có nhiều công ty của Australia sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực điện gió ngoài khơi, chế biến đất hiếm và các khoáng sản quan trọng, chuyển đổi số, công nghệ nông nghiệp, giáo dục đại học. Tôi hy vọng các dự án của Australia sẽ tiến triển trong tất cả các lĩnh vực này.
Việt Nam là một quốc gia quan trọng đối với Australia không chỉ về thương mại. Lịch sử cho chúng ta thấy rằng, một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng là điều cần thiết cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực. Mặc dù những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt có thể rất lớn, nhưng không là gì so với những thách thức mà Việt Nam đã từng phải đối mặt và vượt qua. Cả thế giới sẽ ngạc nhiên trước sự tăng tốc nhanh chóng của Việt Nam trên con đường hướng đến một tương lai mới.
Gửi phản hồi
In bài viết