“Thiểu số hơn cả thiểu số”
Làng Un có 92 hộ, thì đồng bào Mông chiếm trên 60%, còn lại là người Dao, người Tày, người Kinh.
Lò Thị Phương là người Thái ở Điện Biên. Đi học, đi làm ở Hà Nội, Phương gặp chàng trai Bàn Văn Đại, người Dao ở Làng Un. Thương nhau, yêu nhau, rồi quyết định gắn bó với nhau, dẫu hai miền quê cách xa nhau cả ngày đường ngồi ô tô.
Bố mẹ Phương biết con gái quyết định về làm dâu ở Kiến Thiết thì lo lắm. Nhưng vì thương con, tin con, nên cũng chỉ biết ủng hộ. Phương bảo, nhà mình ở Điện Biên, nhưng là ở thành phố, cả đời chưa bao giờ phải đặt chân xuống ruộng chứ không nói đến chuyện phải leo đồi, leo núi.
Về làm dâu ở Kiến Thiết, Phương không chỉ phải học từ phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói, mà học cả cách leo núi, leo đồi đi nương. Những ngày đầu mới đi nương, Phương hào hứng lắm. Mặc dù sinh ra ở thành phố, nhưng vốn yêu núi, yêu rừng, yêu công việc lao động, Phương không nề hà việc gì cả. Nhà chồng ở Làng Un vốn ít ruộng, mọi nguồn thu nhập trông chờ vào nương vào rẫy, chủ yếu là chuối tây, cây ăn quả, gừng, rừng… Mùa nào thức nấy, quanh năm bám lấy nương lấy rừng mà sống.
Trưởng thôn Lò Thị Phương (bên trái ảnh) thăm vườn cây ăn quả của gia đình chị Sùng Thị Doa.
Làng Un chỉ có khoảng 3 ha đất ruộng, còn lại là đất đồi. Nhiều năm nay, người Mông, người Dao, người Tày ở Làng Un không bỏ đất trống nữa, mà phủ đầy bởi cây cam, cây bưởi, cây chuối tây. Cả thôn giờ có 20 ha cam, gần chục ha bưởi, chuối tây thì gần như nhà nào cũng có vài ha. Nhà Phương cũng vậy.
Những nương chuối, đồi cam nằm ven núi, đường cứ cheo leo đi lên dốc như thế. Lúc đi thì không sợ, vì chỉ có bước lên mà đi. Nhưng lúc xuống lại là câu chuyện khác. Phương kể, thời gian đầu, ngày nào từ nương trở về mình cũng khóc. Không phải vì vất vả quá, mà vì sợ độ cao. Sợ trượt chân. Sợ ngã. Lần nào chồng mình cũng phải quay lại, dắt tay vợ xuống. Lâu dần cũng thành quen. Chị Giàng Thị Sự, người Mông ở Làng Un bảo, vừa thương vừa phục nó lắm. Xa bố xa mẹ về tận Làng Un làm dâu, như con chim xa tổ ấy. Được cái nó hòa nhập nhanh lắm, giờ thì chẳng khác người Làng Un là bao.
Phương cười lảnh lót, chục năm làm dâu ở Làng Un, giờ mình cũng như phụ nữ Mông, phụ nữ Dao, phụ nữ Tày ở làng, sáng chạy xe máy leo lách qua khe, qua ven lên nương, chiều lại chạy xe máy từ nương chở nông sản về nhà. Đoạn nào khó phải lội bộ cũng thành thục lắm rồi, chồng theo còn không kịp đâu…
Làm khéo, để dân theo…
Trước khi được bầu làm Trưởng thôn năm 2020, Lò Thị Phương là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Làng Un từ năm 2014. Ban ngày đi nương, tối về, có thời gian rảnh là Phương đến từng nhà, vận động chị em từ cách kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền để giảm thiểu nạn tảo hôn đến hướng dẫn chị em làm kinh tế. Ở Làng Un giờ đã không còn nạn tảo hôn nữa, nhà nào có con trai, con gái cũng đều cố để con theo học hết trung học phổ thông, để có cái chữ ấm cái bụng con em mình.
Năm 2020, được bầu làm Trưởng thôn, Lò Thị Phương lo lắm. Mình là phụ nữ, lại còn là phụ nữ người Thái ở tỉnh khác về, liệu nói mọi người có nghe không?
May mắn là ở Làng Un, người Mông, người Dao, người Tày đều nghe, hiểu được tiếng phổ thông, thành ra việc nói để dân hiểu không còn là gánh nặng. Nhưng nói để dân nghe, dân theo lại là một câu chuyện khác.
Nhưng hóa ra, cái Phương lo là hạn chế, thì lại trở thành điểm mạnh của mình. Vốn là phụ nữ, có cái linh hoạt, mềm dẻo hơn, lời nói ra cùng một ý nghĩa, nhưng qua miệng phụ nữ lại nghe mềm mại, dễ chịu hơn. Thành ra, nhiều việc với đàn ông là khó thì với Phương lại thuận lợi hơn. Phương kể, ở thôn có vợ chồng người Mông, anh chồng bình thường khéo ăn khéo nói lắm, nhưng hễ mỗi lần uống rượu về là… lôi vợ ra đánh. Trưởng ban công tác Mặt trận, Công an viên là người Mông đến vận động, khuyên bảo kiểu gì cũng không được.
Phụ nữ người Mông ở Làng Un, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) giữ nghề thêu truyền thống.
Lò Thị Phương đến nhà lúc anh chồng tỉnh rượu, thủ thỉ bảo, đàn ông Mông ở Làng Un thì phải biết chí thú làm ăn, chăm chỉ với nương chuối, nương ngô thôi, đánh vợ thì xấu lắm. Vợ mình đẻ cho mình đứa con đẹp thế, nấu cho mình bữa cơm ngon thế, giặt cho mình bộ quần áo sạch… mình phải thương vợ mình chứ. Đánh vợ thế mai vợ sợ, vợ bỏ đi thì lấy ai chăm con, chăm mình nữa. Anh chồng người Mông cứ đỏ mặt, rồi trắng mặt, gật gù. Từ đấy, không thấy anh chàng đánh vợ nữa, rượu cũng giảm hẳn đi. Mọi người đùa Phương, bảo nó không nghe đàn ông Mông nữa rồi, nó chỉ nghe phụ nữ Thái thôi.
Năm 2021 là một năm đặc biệt và bận rộn với hầu hết cán bộ thôn của các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Giữa năm thì vận động, hướng dẫn người dân tham gia đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Cuối năm, khi tình hình dịch giã phức tạp, lại vận động, hỗ trợ người dân đi tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Nhiều người, khi Trưởng thôn đến tuyên truyền, báo lịch tiêm, cái lý của họ là, mình đi nương suốt, chỉ gặp cây rừng, chim muông thôi, làm sao mắc Covid được. Trưởng thôn Lò Thị Phương phải giải thích, mình đi nương, nhưng thi thoảng mình lại ra quán mua thức ăn nước uống, rồi sang nhà hàng xóm chơi. Covid nó không phải con chim, con thú, không nhìn thấy bằng mắt được, nó là virus ủ trong người, tiếp xúc qua với nhau cũng có thể lây bệnh được, phải có vắc xin phòng bệnh, thì mới đảm bảo sức khỏe để mình thu hoạch cam, bưởi, chuối, tra hạt ngô chứ… Nghe thế nên ai cũng đi. Ngày tiêm, Trưởng thôn chạy xe máy cùng ra Trạm y tế xã Xuân Vân, hộ mọi người đăng ký, đọc tên, ký tên, rồi theo dõi sức khỏe. Ổn định, Trưởng thôn lại cùng bà con chạy xe máy về Làng Un. Lò Thị Phương bảo, ở Làng Un, chỉ còn 3 người mắc bệnh nền chưa tiêm được vắc xin phòng Covid-19 thôi, còn lại đều đã được tiêm mũi 1 rồi. Giờ bà con lại háo hức chờ tiêm mũi 2, bảo cuối năm rồi, tiêm được cái vắc xin vào người cho yên tâm, còn đón Tết nữa.
Trưởng thôn Lò Thị Phương cười, cái bụng của đồng bào mình đều giống nhau thôi. Ai nói phải thì nghe, ai làm khéo thì tin. Mình cũng là người dân tộc, mình cứ theo lối suy nghĩ đấy mà làm. Bà con ở Làng Un cũng yêu, cũng quý “bông hoa lạ” như mình, nên đến giờ mọi việc cũng trôi chảy, thuận lợi, mình cũng nhờ thế mà yên tâm “vác tù và” hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết