Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tài nguyên nước của tỉnh rất phong phú, chỉ tính riêng tài nguyên nước mặt, ngoài 3 sông lớn sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy còn có trên 500 sông ngòi nhỏ và trên 2.000 ao hồ, tạo thành mạng lưới thủy văn khá dày, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên an ninh nguồn nước đang có dấu hiệu suy giảm cả về chất lượng lẫn số lượng nguyên nhân chủ quan chính là từ con người: Tình trạng ô nhiễm nguồn nước do xả thải bừa bãi không qua xử lý vào sông, suối; quá trình khai thác khoáng sản; sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước làm biến đổi dòng chảy...
Công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn cung cấp đủ nguồn nước cho người dân tại xã Thiện Kế (Sơn Dương).
Con suối 1 chảy qua địa phận thôn 3, xã Tân Long (Yên Sơn) đã trở thành bãi rác của một số hộ dân thiếu ý thức. Ông Lê Mạnh Biền, người dân thôn 3, xã Tân Long bức xúc, không chỉ một số hộ dân trong thôn, người ngoài thôn gom rác thải của gia đình cũng mang đến vứt khiến đoạn suối trở thành nơi chứa rác thải. Theo ông Biền, trước đây suối rộng, nguồn nước rất sạch nhiều hộ gia đình sống quanh khu vực sử dụng phục vụ sinh hoạt, sản xuất tuy nhiên những năm gần đây không ai dám dùng do nước bị ô nhiễm.
Nhiều tháng nay, người dân thôn bản Chợ, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) luôn sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Ông Chẩu Văn Bích, cho biết, trước đây nguồn nước sinh hoạt của gia đình ông và nhiều hộ trong thôn lấy từ công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Tuy nhiên gần đây lượng nước dẫn về ít dần khiến nhiều gia đình không đủ để sử dụng.
Ông Trần Vũ Hưng, Phó trưởng phòng Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, để đảm bảo an ninh nguồn nước, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước, thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất; tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Mặt khác, Sở cũng tăng cường khả năng trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình trong quản lý nguồn nước dựa vào xu thế tự nhiên trên cơ sở dự báo dài hạn về khí hậu, thủy văn.
Thông tin mới nhất từ Sở Tài nguyên và Môi trường, ngành đang thực hiện lập hành lang bảo vệ 78 nguồn nước, trong đó có 67 nguồn là suối, còn lại là sông và ngòi. Cụ thể, huyện Na Hang có 5 nguồn, Lâm Bình có 13 nguồn, Chiêm Hóa có 24 nguồn, Hàm Yên 5 nguồn, Yên Sơn 18 nguồn, thành phố Tuyên Quang 3 nguồn, Sơn Dương 10 nguồn. Các nguồn nước này chủ yếu là nguồn cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, trục thoát nước cho khu tập trung dân cư tại các địa phương...
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước mặt, nước ngầm trong sản xuất, sinh hoạt. Có như vậy mới giữ vững được an ninh nguồn nước, đồng thời tránh được những sự cố ô nhiễm mà nhiều địa phương đang phải gánh chịu.
Gửi phản hồi
In bài viết