Tự hào Quảng trường Nguyễn Tất Thành

- Nằm ở trung tâm thành phố Tuyên Quang, ngay sát dòng Lô lịch sử, quảng trường Nguyễn Tất Thành với diện tích trên 8,5 ha đã trở thành điểm đến mang giá trị lịch sử, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt trong lòng mỗi người dân Tuyên Quang.

Công trình của sự đồng thuận lớn

Trong ký ức của nhiều người con xứ Tuyên, quảng trường mang tên Bác là một công trình nhiều dấu ấn. Với khuôn viên rộng lớn, quảng trường có nhiều tiểu kiến trúc nhỏ độc đáo, điểm nhấn phải kể đến hai công trình ấn tượng bậc nhất là Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” và Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chính giữa khu quảng trường là tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” nằm sát chân núi Thổ Sơn. Công trình khởi công đầu năm 2012 và hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2015). Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang xác định tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” là công trình có ý nghĩa chính trị quan trọng. Đây là công trình kiến trúc tiêu biểu thể hiện tình yêu của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang với Bác Hồ kính yêu. 

 

Đặc biệt hơn nguồn kinh phí xây dựng quảng trường được sự ủng hộ lớn, đóng góp tự nguyện của nhân dân Tuyên Quang. Tinh thần đoàn kết của người dân cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh chính là nguồn lực lớn nhất để tạo nên một công trình thời đại của thế kỷ XXI tại Thủ đô Kháng chiến năm xưa.

Giải thưởng phong cảnh thành phố châu Á

Thông qua kết nối, trao đổi với Văn phòng UN-Habitat Việt Nam, Sở Ngoại vụ đã chủ động tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang tham gia ứng cử Giải thưởng quốc tế “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2022”.

Giải thưởng này được thành lập từ năm 2010 bởi sự phối hợp của 4 tổ chức: Văn phòng Tổ chức định cư con người Liên Hợp Quốc vùng châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban định cư châu Á, Tổ chức thiết kế phong cảnh châu Á và Trung tâm nghiên cứu đô thị thành phố Fukuoka, Nhật Bản. Giải thưởng được thiết kế để tôn vinh các thành phố, khu vực, dự án,... ở châu Á đã đóng vai trò quan trọng như hình mẫu trong việc xây dựng cảnh quan, góp phần tạo nên môi trường sống hạnh phúc, viên mãn cho người dân.

Công trình được đề xuất với tên gọi “Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa của núi rừng” để thể hiện rõ các giá trị, ý nghĩa của Quảng trường Nguyễn Tất Thành trong không gian cảnh quan đô thị thành phố Tuyên Quang. Những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc trong không gian cảnh quan Quảng trường cùng các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội tiêu biểu, các hoạt động vui chơi, thể dục, thể thao, về nguồn, tham quan, trải nghiệm thực tế,… được tổ chức tại đây đã tạo nên sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, giữa con người với con người, giữa con người và thiên nhiên.

Rực rỡ đêm hội Thành Tuyên tại khu vực quảng trường. Ảnh: Quốc Việt

Ngày 05/12/2022, Ban Tổ chức đã công bố Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang đã xuất sắc cùng với 10 dự án/công trình khác đến từ các quốc gia của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan đạt Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á năm 2022. Trong đó, Quảng trường Nguyễn Tất Thành được Ban Tổ chức đánh giá cao vì đã nỗ lực tạo ra một trung tâm như sự giao thoa giữa văn hóa cũ và mới, đáp ứng các tiêu chí của giải thưởng về sự thân thiện, hài hòa với môi trường; đảm bảo tính bền vững; tôn trọng văn hóa và lịch sử địa phương; có tính thẩm mỹ cao và đóng góp thiết thực vào sự phát triển của địa phương, khu vực; là hình mẫu cho các thành phố khác. 

Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á năm 2022 đối với công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành là sự ghi nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương, các bên liên quan cũng như sự đồng lòng ủng hộ của người dân trong quá trình xây dựng, thực hiện công trình. Công trình đã khẳng định các giá trị và nét độc đáo riêng có, trở thành một trong những hình mẫu về phong cảnh thành phố châu Á, góp phần khẳng định và quảng bá mạnh mẽ sức hấp dẫn, độc đáo nói riêng của thành phố Tuyên Quang và của cảnh quan thành phố châu Á nói chung đến bạn bè khu vực và quốc tế. Kể từ khi được xây dựng đến nay, Quảng trường Nguyễn Tất Thành trở thành địa điểm lựa chọn để tổ chức rất nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh. Có thể ví nơi đây là trái tim của thành phố Tuyên Quang với vị trí trung tâm thành phố. 

Cũng chọn quảng trường Nguyễn Tất Thành làm điểm dừng chân, anh Nguyễn Đức Thuận (Tp. Lai Châu) cảm thấy xúc động trong chuyến đi cuối năm: “Đứng giữa quảng trường Nguyễn Tất Thành tôi cảm thấy như được sống lại trên những trang lịch sự hào hùng của dân tộc, nơi có Bác Hồ sống và làm việc. Đây thực sự là niềm tự hào lớn của người Tuyên Quang”.

Như nhiều công trình kiến trúc lớn khác trên thế giới, ngoài là địa điểm sinh hoạt văn hóa, chính trị, lịch sử của người dân thì quảng trường Nguyễn Tất Thành đã và đang trở thành biểu tượng và niềm tự hào của Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Để “trái tim” của thành phố Tuyên Quang góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh tươi đẹp của quê hương Tuyên Quang đến với du khách và bạn bè quốc tế. Từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Hoàng Lâm

Tin cùng chuyên mục