Tuyên Quang - phên dậu của trung châu

- Tuyên Quang luôn là mảnh đất giữ vị trí quan trọng về chính trị, quân sự... trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Các sử thần triều Nguyễn trong sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) đã nhận xét về về vị trí địa chính trị của Tuyên Quang như sau: “Mặt ngoài khống chế tỉnh Vân Nam, mặt trong liền Cao Bằng và Thái Nguyên, phía Đông suốt đến Sơn Tây và Hưng Hóa đều là miền thượng du Bắc Kỳ, núi cao có Vân Trung và Ngọc Mạo, sông lớn thì có sông Lô, sông Gâm và sông Chảy, các cửa ải Bắc Tí và Bình Môn che đỡ ở mặt ngoài, các đồn bảo Tuyên Tỉnh và Yên Biên giữ vững ở mặt trong, đấy là phên dậu của trung châu cũng là nơi địa đầu quan yếu” (ĐBNTC, tập 4, tr 340, NXB Thuận Hóa, 1992).

Bến phà Nông Tiến xưa.

Danh xưng Tuyên Quang đến đời nhà Trần được chính thức đặt ra. Tuyên Quang gọi là châu Tuyên Quang thuộc lộ Quốc Oai. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), để tăng cường sự thống nhất hành chính, Lê Thánh Tông chia cả nước làm 12 đạo thừa Tuyên, đổi lộ làm Phủ, đổi trấn làm Châu. Thừa Tuyên Tuyên Quang có một phủ là Yên Bình, một huyện là Sùng Yên và 5 châu là Thu Vật, Lục Yên, Vị Xuyên, Đại Man, Bảo Lạc. Mùa đông tháng Mười năm Tân Mão (1831), tỉnh Tuyên Quang chính thức được thành lập “thống trị một phủ là Yên Bình, một huyện là Hàm Yên, 5 châu là Vị Xuyên, Thu Châu, Lục Yên, Đại Man và Bảo Lạc” (Đại Nam thực lục, tập 3, tr 235, NXBGD, 2001). Đến ngày 14-4-1900, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập lại tỉnh Tuyên Quang. Từ đây, cương vực và danh xưng Tuyên Quang là một đơn vị hành chính cấp tỉnh cơ bản ổn định đến hiện nay.

Từ năm 1900 trở về trước, Tuyên Quang là vùng đất rộng lớn, có nhiều lâm thổ sản, theo ĐNNTC thì “gỗ lim có nhiều ở huyện Vị Xuyên và châu Chiêm Hóa, gỗ vàng tâm có nhiều ở huyện Vị Xuyên, gỗ Sam (tục gọi là Ngọc Am phần nhiều ở huyện Vĩnh Tuy. Các loại sa nhân, củ mài, hà thủ ô, phục linh, sa lê, tuyết lê đều có ở các huyện Vị Xuyên và Vĩnh Tuy” (ĐNNTC, t4, tr 362 - 363). Dưới lòng đất Tuyên Quang xưa cũng có nhiều kim loại quý như vàng ở Vũ Kiều (huyện Vĩnh Tuy), ở Niêm Sơn (huyện Đế Định), ở Linh Hồ (huyện Vị Xuyên), các mỏ vàng kể trên đều sản ra kim sa (cát vàng), mỏ bạc, mỏ đồng ở Tụ Long, mỏ sắt ở Bình Di (huyện Vĩnh Tuy). Các thứ khác như lúa, đậu, khoai, ngô, dưa, vải, nhãn, tre nứa và các động vật như chim Anh Vũ, gà lôi, hươu nai... thì huyện châu nào cũng có” (ĐNNTC, t4, tr 362, 363, sđd).

Vì sao Tuyên Quang lại có được vị trí như các sử thần phong kiến đánh giá là “phên dậu của trung châu cũng là nơi địa đầu quan yếu”? Thực ra điều này cũng dễ hiểu. Nếu nhìn từ “trung châu” vùng đồng bằng sông Hồng hay kinh đô Thăng Long, Hà Nội mà xem xét thì Tuyên Quang có nhiều ưu thế hơn nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta.

Tuyên Quang tuy ở xa kinh đô nhưng đường giao thông khá thuận lợi, muốn đi về trung châu dù là đi bộ, đi ngựa, hay đường thủy cũng không mất nhiều thời gian như tỉnh Hưng Hóa trước đây. Tuyên Quang tuy là tỉnh miền núi nhưng có nhiều thung lũng khá rộng, tạo nên những vựa lúa đủ để nuôi sống một số lượng lớn vừa dân vừa quân mà nhiều tỉnh khác không có được. Bên trong các thung lũng ấy có nhiều sông, suối tạo nguồn nước sạch cung cấp nước ăn uống và tiện nghi sinh hoạt khác cho đời sống hàng ngày.
Tuyên Quang từ đời Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý là vùng trấn trị của thổ tù họ Hà. Dưới thời Lý, có hai người thuộc họ này là phò mã của các vua Lý. Sau này, khi họ Vũ (Vũ Văn Uyên, Vũ văn Mật và con cháu) trấn trị đất Tuyên Quang để chống lại nhà Mạc, có nhiều người dưới xuôi, nhất là vùng Hải Dương (quê gốc họ Vũ), (Hải Dương cũng là nơi thường xuyên diễn ra những trận đánh nhau giữa quân nhà Mạc với quân Lê - Trịnh) chuyển cư lên Tuyên Quang làm ăn sinh sống, tạo nên khung cảnh khá phồn hoa, dân trí khá cao, như bài “Đại Đồng phong cảnh phú” của Nguyễn Hãng có những câu: “Lâu đài kề nước, hoa cỏ hướng dương, thược dược khéo mười phân tươi tốt; mẫu đơn khoe hết tấc giàu sang, hây hây ngõ mận tường đào quanh nhà thái tổ... Tiện nẻo vãng lai là nơi thành thị, tán đầu khăn họp khách bốn phương, xe dù ngựa dong đường thiên lý, đủng đỉnh túi thơ bầu rượu, nặng cổ thằng hề dập dìu quần trả áo nghê, dầu lòng con tý, diên đại mại châu châu ngọc ngọc nhiều chốn phồn hoa; việc thu thiên ỷ ỷ mười phần phú quý... Trời sinh chúa thánh, đất có tôi lành” (Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2, Kiến văn tiểu lục, tr 355, 356, NXB Khoa học xã hội, 1977). Lê Quý Đôn có viết về các châu khác như sau: “Châu Đại Man, Vị Xuyên, Bảo Lạc địa phận rộng, một xã có đến hai ba mươi thôn, nhân dân phần nhiều no đủ... Châu Bảo Lạc núi non chằng chịt, rừng rú rất nhiều, sản vật có bông gạo sáp vàng, số ruộng phẳng có đến 3.000 mẫu, nhân dân giàu có, thóc gạo súc sản rất nhiều” (LQĐTT, t2, KVTL, tr 332, 333, sđd).

Cầu Tình Húc thành phố Tuyên Quang.

Hiện nay, tại Bình Ca, xã An Khang, để ghi nhớ công ơn của dòng họ Vũ, nhân dân xã An Khang và con cháu dòng họ Vũ ở Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hải Dương, đền thờ Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật, Vũ Công Kỳ, Vũ Duy Cung, Vũ Công Ứng, Vũ Công Đắc và các bộ tướng của họ Vũ đã trấn trị Tuyên Quang hơn 150 năm được xây dựng. Đền thờ gần thành Bình Ca mà Chúa Bầu Vũ Văn Mật xây dựng đươc gọi là đền thờ Chúa Bầu.

Với những cứ liệu đã dẫn, có thể thấy vị trí của Tuyên Quang xưa được sử thần của các triều đại phong kiến vô cùng quan tâm và đánh giá cao, như là “phên dậu của trung châu” vậy. Không phải ngẫu nhiên mà Tuyên Quang được coi là “Trấn biên” che chở cho “Kinh trấn” về phía Bắc từ xa xưa. Có lẽ vì như vậy, Tuyên Quang được chọn làm Thủ đô Khu Giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám 1945 và Thủ đô Kháng chiến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Nhiều cơ quan Trung ương đóng trụ sở ở Tuyên Quang để lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

                                                                                      Đặng Trần Quân
                                                     (Nguyên giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường đại học Tân Trào)

Tin cùng chuyên mục