Khoa học đã chứng minh, độc tố trong mật cá được xác định là Cyprinol sulfat, một a xít mật C27. Độc tố chỉ có trong mật, gan và tụy của cá; không có trong thịt cá. Đặc biệt độc tố này chỉ thấy trong mật cá nước ngọt chứ không có trong cá nước mặn. Cá càng to thì nguy cơ ngộ độc mật cá càng lớn.
Mật của cá trắm đen từ 3kg trở lên chắc chắn gây ngộ độc và có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Khi vào cơ thể người, mật cá gây độc tới các cơ quan nội tạng, cơ quan sinh sản và máu. Độc tố mật cá rất bền đối với nhiệt, vì vậy nạn nhân vẫn có thể bị ngộ độc sau khi ăn mật cá đã nấu chín. Sau khi uống mật cá trắm đen 2-3 giờ, các triệu chứng ngộ độc bắt đầu xuất hiện.
Thực tế, đã có nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc mật cá. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân bị đau bụng, nôn, đại tiện lỏng. Trường hợp nặng, bệnh nhân đau bụng dữ dội, nôn thốc tháo và tiêu chảy cấp. Những trường hợp quá nặng, bệnh nhân không có nước tiểu, phù to, khó thở, hôn mê và tử vong.
Để phòng ngừa ngộ độc mật cá, người dân tuyệt đối không nuốt mật cá để chữa bệnh. Khi ăn cá phải chọn cá tươi, không bị dập mật. Khi làm cá phải khéo léo bóc bỏ mật vứt đi, tránh không để bị vỡ trong ổ bụng, nhất là cá to.
Gửi phản hồi
In bài viết