Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Việt Hòa
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Hàm Yên đã trình bày dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; dự thảo Đề án phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; dự thảo Đề án xây dựng huyện Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình khuyến nông tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Việt Hòa
Đại diện các ngành chức năng, các huyện, thành phố đã thảo luận các giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, liên kết phát triển các sản phẩm theo nhu cầu thị trường, bảo đảm bền vững, hiệu quả cao cho người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường...
Cuộc họp cũng cho ý kiến dự thảo Kế hoạch phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, đây là những đề án lớn, quan trọng, đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cần đánh giá thực trạng sát với điều kiện thực tế địa phương; xác định mục tiêu tái cơ cấu đến năm 2025 và thời gian tới phải tạo được bước đột phá trong phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kết luận cuộc họp. Ảnh: Việt Hòa
Ngành cần chọn các sản phẩm đặc sản và chủ lực phải sát với điều kiện địa phương; cần xét lại tiêu chí để lựa chọn sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản; làm rõ mục tiêu, tốc độ tăng giá trị của từng sản phẩm trong 5 năm tới; tính toán lại cơ cấu nông, lâm nghiệp, thủy sản để phù hợp với cơ cấu sử dụng đất trong toàn tỉnh. Đồng thời, làm rõ chính sách, nguồn lực đầu tư cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân; giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Đồng chí đề nghị ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu thêm nội dung tăng tỷ lệ sản phẩm được liên kết, mục tiêu mở ngoài các danh mục đăng ký; tăng số hợp tác xã hoạt động hiệu quả, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, các cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp khởi động các dự án nông nghiệp hiệu quả. Đồng thời, phân tích rõ nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới để có căn cứ tham mưu với UBND tỉnh.
Đối với dự thảo Kế hoạch phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú giai đoạn 2021-2025, đồng chí đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện các nội dung để trình thẩm định.
Gửi phản hồi
In bài viết