Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận và mong muốn Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên liên kết hỗ trợ các tổ chức, hợp tác xã chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ thực hiện triển khai các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng, trong đó có bệnh keo chết héo, chết ngọn trên cây bạch đàn. Đồng thời, đa dạng các hình thức đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.
Các ý kiến cũng đề xuất Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, trong đó nghiên cứu xây dựng cơ cấu giống theo điều kiện lập địa và đề xuất vùng trồng trọt đáp ứng thị trường xuất khẩu; chuyển giao công nghệ chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh có năng suất, chất lượng tốt; bảo tồn đa dạng sinh học và một số nguồn gen bản địa quý hiếm của tỉnh; quản lý và phòng trừ bệnh trên cây keo, cây bạch đàn...
Trong lĩnh vực hợp tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, trường hỗ trợ tỉnh đào tạo cả nguồn nhân lực đào tạo ngắn hạn và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Việt Hòa
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao sự quan tâm, chủ động của các giáo sư, tiến sỹ của trường trong các hoạt động hợp tác hỗ trợ Tuyên Quang đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và công tác tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn và hy vọng trường tiếp tục hỗ trợ tỉnh đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, trọng tâm là sản xuất nông, lâm nghiệp. Bởi đây là tiềm năng, thế mạnh và cũng là lĩnh vực được tỉnh lựa chọn là một trong 3 khâu đột phá.
Đồng chí đề nghị các sở, ngành, các huyện sớm xác định nhu cầu gắn với các mục tiêu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra; Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo danh mục trình UBND tỉnh để triển khai các hoạt động hợp tác đảm bảo trọng tâm, trọng điểm mang lại hiệu quả.
Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Việt Hòa
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Điền, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cam kết trường sẽ nâng tầm chương trình hợp tác, ngoài việc đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, trường sẽ dành sự ưu tiên cho ngành lâm nghiệp, góp phần giúp Tuyên Quang trở thành hình mẫu phát triển kinh tế lâm nghiệp, cứ điểm của ngành gỗ Việt Nam theo như yêu cầu của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trường cũng sẵn sàng tham gia, hỗ trợ tư vấn xây dựng các đề án về phát triển kinh tế tập thể, phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng nông thôn mới...nếu có cơ hội. Trên thực tế, trường đã tham gia xây dựng các đề án phát triển sản xuất cho các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên...đã mang lại hiệu quả lớn.
Gửi phản hồi
In bài viết