Vì vậy, vấn đề được đặt ra là cùng với việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cơ quan quản lý cũng cần sớm bổ sung cơ chế, chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng và chuẩn bị nguồn nhân lực để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức.
Rào cản pháp lý
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, từ năm 2018, các ngân hàng thương mại cổ phần: Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Quốc tế (VIB), Tiên Phong (TPBank) đã thử nghiệm chuyển tiền liên ngân hàng bằng ứng dụng blockchain. Năm 2019, Ngân hàng HSBC áp dụng blockchain trong thanh toán quốc tế tại thị trường Việt Nam bằng giao dịch thư tín dụng (L/C). Sau đó, 5 ngân hàng thương mại khác cũng áp dụng.
Blockchain đã và đang dần trở thành công nghệ trụ cột với nhiều ứng dụng khá hấp dẫn. Theo số liệu của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, số lượng các doanh nghiệp Fintech (công nghệ trong lĩnh vực tài chính) tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện nay đã tăng gần 4 lần, từ 40 doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2016, đến 150 doanh nghiệp thời điểm cuối năm 2021. Ngoài ra, blockchain đã được ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc nông sản, bệnh án điện tử, hóa đơn điện tử…
Tuy nhiên, theo ông Vũ Công Hùng, Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước), việc ứng dụng blockchain hiện nay vẫn còn nhiều rào cản, trong đó nổi bật là thiếu quy định pháp lý cho lĩnh vực này. “Việc ứng dụng blockchain vẫn còn khó khăn, như chi phí băng thông, lưu trữ cao; năng lực xử lý chậm; đặc biệt, việc thiếu quy định pháp lý đang là một trở ngại chính cho việc ứng dụng công nghệ vào thực tiễn”, ông Vũ Công Hùng nêu. Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết, hiện còn rất nhiều thách thức khi ngân hàng ứng dụng blockchain, một phần do rào cản chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ…
Ứng dụng blockchain để tiết kiệm chi phí
Theo ông Vũ Công Hùng, mặc dù blockchain không phải là một giải pháp phù hợp cho mọi trường hợp, nhưng nó có khả năng thay đổi cách thức hệ thống hoạt động. Công nghệ blockchain có tiềm năng rất lớn trong việc giảm chi phí giao dịch, cho phép giao dịch trực tiếp giữa các người dùng một cách an toàn.
Phân tích cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung cho rằng, việc ứng dụng blockchain sẽ giúp ngân hàng cắt giảm các chi phí quản trị trung gian. Dịch vụ truyền thống được chia sẻ đa nền tảng. Các lợi thế của blockchain góp phần thúc đẩy hệ sinh thái Fintech xung quanh dịch vụ truyền thống. “Blockchain sẽ thay đổi tương lai của hệ thống ngân hàng, chẳng hạn giúp chuyển tiền quốc tế nhanh chóng, cho phép các giao dịch ngang hàng nhanh hơn và đơn giản hơn, hiệu quả hơn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Blockchain còn giúp tăng cường bảo mật và giảm gian lận, khi công nghệ này tạo ra dữ liệu đối chiếu, kiểm toán rõ ràng”, ông Phan Đức Trung nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm triển khai trong thực tiễn, đại diện Vietcombank cho biết, việc ứng dụng blockchain vào L/C giúp tiết kiệm thời gian, chỉ mất 27 phút thay vì 3-5 ngày như phương thức truyền thống. Hoặc blockchain giúp ngân hàng giảm chi phí nhờ loại bỏ được xác thực của bên thứ ba hay trung gian thanh toán.
Ông Vũ Công Hùng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật để thuận lợi cho việc công nhận giá trị pháp lý của giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử trên hệ thống blockchain... Thêm nữa, phần lớn ý tưởng ứng dụng blockchain đang tập trung vào các lĩnh vực tài sản số, huy động vốn, là những lĩnh vực có rủi ro rất cao, vì vậy cần xây dựng cơ chế thử nghiệm (sandbox). Được biết, Chính phủ đã giao các cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu, đề xuất mô hình sandbox, nhưng do mức độ rủi ro cao, nên việc triển khai rất thận trọng.
Bổ sung thêm, đại diện Vietcombank cho biết, hiện nay nhu cầu khách hàng muốn số hóa dịch vụ ngân hàng ngày càng cao và cùng với các công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), big data (dữ liệu lớn), blockchain góp phần đẩy nhanh tiến độ số hóa dịch vụ ngân hàng. Các ngân hàng đều có khả năng mở rộng mạng lưới, kết nối đa phương, do vậy, chỉ khi nào blockchain thực sự đủ lớn để kết nối các chủ thể (gồm chủ thể các quốc gia trên thế giới) thì giao dịch mới có thể thông suốt, trọn vẹn.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, công nghệ blockchain vẫn trong giai đoạn đầu, đang trên đà phát triển. Những thay đổi tích cực mà công nghệ trên mang lại là không thể phủ nhận, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước nỗ lực và quan tâm hơn nữa trong việc phát triển công nghệ mới này.
Gửi phản hồi
In bài viết