Hệ thống tưới ẩm tự động cho cây chè của gia đình ông Phạm Văn Luận, thôn Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên).
Gia đình anh Trần Văn Tú ở thôn Ao Sen 1, xã Đức Ninh (Hàm Yên) là một trong những hộ đi đầu trong việc cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây để gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch 11 sào cây ba kích, gia đình anh mất cả tuần trên đồng để làm đất kịp thời vụ gieo trồng. Đến năm 2021, gia đình anh Tú đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua máy xúc đất mini về làm đất và tận dụng máy xúc để đào đất thu hoạch ba kích. Nhờ đó, việc giải phóng đất, lên luống để chuẩn bị sản xuất cũng được thực hiện nhanh chóng mà vẫn đảm bảo đúng khung thời vụ, khi thu hoạch không mất nhiều công sức như trước nữa.
Bên cạnh đó, tại một số huyện, người dân cũng chủ động đầu tư hệ thống tưới tự động, tưới phun mưa cho rau, cây ăn quả, cây chè... Anh Nguyễn Văn Vĩnh, thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (Yên Sơn) cho biết, gia đình anh hiện trồng 4 ha cam lòng vàng và cam đường canh. Năm 2017, được nhà nước hỗ trợ đường ống, bình chứa, gia đình anh đối ứng hơn 70 triệu để xây dựng bể chứa và lắp đặt hệ thống tưới ẩm tự động theo công nghệ tưới Israel cho 2 ha cam của gia đình. Đủ độ ẩm cây cam phát triển tốt, khỏe cây, ra hoa nhiều, chất lượng cam ngon hơn, mẫu mã đẹp hơn, năng suất tăng 30 - 40%. Có hệ thống tưới ẩm gia đình đỡ rất nhiều công tưới, mỗi tuần chỉ cần bật công tắc 1 lần khoảng 2 tiếng là toàn bộ 2 ha cam được tưới như nhau. Trước đây, 4 người trong gia đình tưới cả buổi sáng vẫn chưa xong, không tưới được đều, vừa lãng phí nước, vừa bị rửa trôi phân bón.
Những hiệu quả vượt trội về sản xuất, tiết kiệm thời gian, chi phí, giải phóng sức lao động là những yếu tố giúp cho việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển. Số lượng các loại máy sản xuất nông nghiệp tăng nhanh, hiện toàn tỉnh đã có gần 81.000 máy, thiết bị. Trong đó, máy làm đất có hơn 28.000 chiếc, hơn 53.000 các loại máy, thiết bị khác. Theo đó, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất hiện đạt khoảng 89%, gieo trồng đạt khoảng 8,6%, chăm sóc đạt 53,8%, thu hoạch đạt 68,4%. Trong chăn nuôi, nhiều trang trại, gia trại đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ chuồng nuôi khép kín, sử dụng hệ thống máng ăn, núm uống nước tự động, máy chế biến thức ăn cho vật nuôi.
Gia đình anh Trần Văn Tú ở thôn Ao Sen 1, xã Đức Ninh (Hàm Yên) ứng dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, tốc độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây tương đối cao, bước đầu tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng lên 15-20% so với lao động thủ công. Với việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật và hệ thống máy móc, trang thiết bị đã giúp nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa ở các khâu sản xuất chưa đồng bộ, mới chỉ tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, các khâu khác như: Gieo cấy, chăm sóc mức độ cơ giới hóa còn thấp, lao động thủ công vẫn là chủ yếu.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, hiện nay ngành Nông nghiệp tỉnh đang tích cực chỉ đạo các địa phương thực hiện tích tụ đất đai, từ đó xây dựng diện tích sản xuất tập trung. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan liên quan tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi mua máy móc, đổi mới công nghệ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân vào đầu tư phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm.
Gửi phản hồi
In bài viết