Trong gần 3 năm trở lại đây, tình hình kinh tế-chính trị thế giới có những thay đổi nhanh chóng và khó dự báo, nhất là những tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến cho thế giới có những tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, trong đó có lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó, mở ra cơ hội cho việc áp dụng kỹ thuật số ở quy mô lớn trong khu vực thông qua việc kích thích thương mại điện tử, giao hàng trực tuyến và dịch vụ điện tử, thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số.
Tuy nhiên, những lo ngại về bảo mật hệ thống trong internet đã làm dấy lên cuộc tranh luận về tính bảo mật và quyền riêng tư của các giao dịch trực tuyến, vấn đề mà sự xuất hiện của sự phát triển công nghệ chuỗi khối Blockchain trở thành chìa khóa để giải quyết vấn đề này.
Quang cảnh hội thảo.
Vào thời điểm hiện tại, công nghệ Blockchain đang ngày càng thu hút hơn khi đã cách mạng hóa thương mại truyền thống do tính năng sổ cái phân tán, mọi bản ghi trong sổ cái này đều được bảo mật bằng các quy tắc mật mã giúp thông tin được an toàn và không bị giả mạo. Việc ứng dụng công nghệ Blockchain đang tạo ra nhiều lợi ích trong việc tăng hiệu quả quy trình làm việc, lưu trữ dữ liệu, quản lý việc cung cấp hàng hóa, giảm lỗi trong luồng tài liệu và thời lượng, giảm thời gian của chu trình hậu cần.
Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã nhận ra tiềm năng của công nghệ Blockchain và tìm cách áp dụng vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vận tải, y tế…
Trước làn sóng bùng nổ của công nghệ toàn cầu, với chính sách ngày càng thuận lợi, mức độ quan tâm của doanh nghiệp ngày càng tăng, thị trường Blockchain Việt Nam dự báo tiếp tục tích cực. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, cùng sự nhạy bén nắm bắt xu hướng mới đã xây dựng được tên tuổi của mình trong lĩnh vực cung cấp nền tảng ứng dụng Blockchain.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh, với mục tiêu Việt Nam không bị chậm nhịp so với sự phát triển về công nghệ của nhiều nước, ngoài những nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan, cần thiết có sự đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia đang trong tiến trình số hóa cũng như các doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực này, giám sát việc thực hiện của Chính phủ về ngân sách và các cam kết quốc tế, nghị quyết, văn bản pháp luật khác của Quốc hội về các chính sách phát triển nền kinh tế số.
Đề xuất xây dựng lộ trình, khung khổ phát triển Blockchain quốc gia, Phó Giám đốc Phạm Quốc Hoàn, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh, để triển khai công nghệ mới, cụ thể là Blockchain vào các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là khu vực công, cần phải có một lộ trình triển khai để các cấp, các ngành hiểu, nhận thức đúng vấn đề để chuyển đổi; phát triển cộng đồng các doanh nghiệp Blockchain/cộng đồng nhân lực Blockchain có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, bắt đầu từ thị trường nội địa. Chính phủ cần xem xét cách thức để đưa ra một khuôn khổ pháp lý cho công nghệ Blockchain. Quy định sẽ cần phải tiến triển song song với ứng dụng và phát triển công nghệ mới.
Gửi phản hồi
In bài viết