Để áp dụng có hiệu quả kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, cùng tiếp tục cử cán bộ đi đào tạo kỹ thuật chuyên khoa, chuyên sâu, trong năm Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn chủ động xây dựng kế hoạch tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao từ các bệnh viện Trung ương theo đề án 1816.
Các y, bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận kỹ thuật nút động mạch gan hóa chất trong điều trị ung thư.
Tiến sĩ, bác sỹ Nguyễn Hưng Đạo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và chú trọng đào tạo nhân lực, đến nay, chất lượng chuyên môn của bệnh viện đã được khẳng định với gần 90 danh mục kỹ thuật vượt tuyến (thuộc tuyến Trung ương) được bệnh viện khai thác. Nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị được triển khai thành công như: phẫu thuật thay khớp háng, thay khớp gối, phẫu thuật nội soi điều trị đứt dây chằng khớp gối, phẫu thuật cắt khối tá tụy, phẫu thuật tán sỏi thận qua da, ngược dòng, các phẫu thuật điều trị sọ não và cột sống; đặt stent động mạch vành, động mạch tạng, chụp và nút mạch tạng điều trị u gan số hóa xóa nền... Những ca phức tạp trước đây phải chuyển tuyến Trung ương thì nay được điều trị tại bệnh viện, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, giảm bớt chi phí cho người bệnh và xã hội. Ngoài ra bệnh viện còn chủ động tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội...
Là bệnh viện hạng II với 16 khoa, phòng, 335 giường bệnh theo kế hoạch Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa luôn nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bác sĩ chuyên khoa II Hà Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa cho biết: Trong năm, Trung tâm cũng đã thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu như: tán sỏi qua da, dẫn lưu thận qua da dưới hướng dẫn của siêu âm, phẫu thuật rò bàng quang - âm đạo, bàng quang - tử cung, trực tràng, nội soi xẻ cổ bàng quang điều trị xơ cứng cổ bàng quang… Đặc biệt từ tháng 6-2024, tại Trung tâm có bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về trực tiếp thăm khám, điều trị cho người bệnh; hỗ trợ chuyên môn cho các bác sĩ tại Trung tâm. Việc hỗ trợ được thực hiện trong vòng 5 năm (Từ tháng 6-2024 đến tháng 5 - 2029).
Từng là đơn vị có lượng bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại khoa thấp, thế nhưng trong năm qua số bệnh nhân đến khám và điều trị tại trung tâm y tế huyện Sơn Dương đã tăng lên 20% so với năm 2023. Hiện Trung tâm đã triển khai thành công các kỹ thuật chuyên sâu như: tán sỏi qua da; kết hợp xương trong chấn thương, phẫu thuật nội soi, cắt túi mật nội soi, khâu lỗ thủng dạ dày... Những kỹ thuật mà trước đây chưa thực hiện được. Việc thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu đã thu hút số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị đông, là động lực để Trung tâm tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa.
Ông N.V.T, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) cho biết, vừa qua ông nhập viện trong tình trạng đau âm ỉ vùng hông lưng phải, đau càng tăng lên khi vận động. Qua thăm khám và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính các bác sĩ chẩn đoán ông có sỏi đài bể thận phải kích thước 20 x 10 mm và thận ứ nước độ III. Sau khi xác định tình trạng bệnh, bác sĩ đã tiến hành tán sỏi qua da, sau hơn 90 phút phẫu thuật, sỏi đã được tán nhỏ và hút ra ngoài. Đến nay sức khỏe của ông đã ổn định. Ông rất mừng vì ông đã được phẫu thành công ngay tại địa phương mà không cần chuyển tuyến. Gia đình đỡ được nhiều chi phí và thời gian đi lại.
Nắm bắt nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, cũng là động lực để các đơn vị y tế triển khai nhiều kỹ thuật mới, ứng dụng KHKT vào khám chữa bệnh. Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục khuyến khích phát huy các sáng kiến cải tiến, nghiên cứu khoa học; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chuyên môn có chất lượng; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; tạo đột phá một số kỹ thuật chuyên sâu ở các lĩnh vực mũi nhọn, cần thiết…
Gửi phản hồi
In bài viết