Bánh socola trộn cần sa bị Công an thành phố Hà Nội phát hiện rao bán trên mạng xã hội.
Do siêu lợi nhuận từ hoạt động mua bán ma túy mang lại, tội phạm luôn tìm mọi cách với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt, mua bán ma túy trá hình (pha trộn ma túy với các loại thực phẩm, đồ uống...) nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Trong thời gian qua, trên thế giới và Việt Nam xuất hiện hai dạng ma túy núp bóng thực phẩm, là: Thực phẩm chức năng có chứa chất ma túy; ma túy được các đối tượng pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cho biết, thực phẩm chức năng có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của một số quốc gia, loại này ở một số nước trên thế giới không cấm và cho phép sản xuất với hàm lượng quy định có ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng.
Trong thời gian qua, các đối tượng lén lút mang vào Việt Nam phát tán sử dụng dẫn đến ngộ độc. Như vụ việc xảy ra ở tỉnh Quảng Ninh, đối tượng mang từ siêu thị ở Mỹ về cho người nhà sử dụng nhưng không nói cho người nhà biết có chứa chất ma túy, dù viên kẹo có chứa lượng nhỏ chất ma túy. Loại này người dùng có thể bị nhầm lẫn và dùng quá liều gây nguy hiểm.
Loại thứ hai là ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm qua mặt cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt. Đã có nhiều vụ mua bán ma túy núp bóng dưới vỏ bọc thực phẩm bị phát hiện, như: Vụ bán bánh cần sa qua internet xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, triệt xóa tháng 12/2019; vụ bán nước xoài có chứa chất ma túy tại TP Hồ Chí Minh tháng 10/2020; vụ bán socola có chứa chất ma túy tại Đông Anh, Hà Nội tháng 6/2022. Người vận chuyển tàng trữ, mua bán loại này biết đó là sản phẩm có ma túy nhưng khi bị bắt thường che giấu ý thức chủ quan không biết để nhằm chối tội.
Để ngăn chặn thực trạng nêu trên, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đang tăng cường cập nhật, theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm về ma túy núp dưới bóng các loại thực phẩm, đồ uống để thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc để tuyên truyền tới toàn thể nhân dân và kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; tăng cường xử điểm, xử lưu động các vụ liên quan đến tội phạm về ma túy núp bóng các loại thực phẩm, đồ uống nhằm tuyên truyền, phòng ngừa loại tội phạm này; đồng thời, hướng dẫn nhân dân phát hiện, cung cấp đầy đủ các thông tin cho các cơ quan chức năng về tội phạm ma túy núp dưới bóng các loại thực phẩm, đồ uống để kịp thời bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh.
Một xu hướng liên quan ma túy khác, đó là hiện nay có nhiều nước trên thế giới đã hợp pháp hóa việc trồng cây cần sa. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm trong khi Việt Nam luôn nhất quán quan điểm “không hợp pháp hóa các chất ma túy”.
Trước đó, Việt Nam đã khẳng định quyết tâm chính trị bằng việc cam kết và tham gia đầy đủ ba Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy, gồm: Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961; Công ước về các chất hướng thần năm 1971 và Công ước chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và hướng thần năm 1988.
Trên các diễn đàn quốc tế (cả song phương và đa phương) về hợp tác kiểm soát và phòng, chống ma túy, Chính phủ Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí vai trò của mình thông qua việc có những đóng góp và sáng kiến tích cực góp phần ngăn chặn hiểm họa ma túy.
Trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy 10 năm gần đây, mỗi năm các cơ quan chức năng của Việt Nam đã đấu tranh, bắt giữ khoảng 20 nghìn vụ với hơn 30 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy, triệt phá nhiều đường dây tội phạm ma túy quốc tế nguy hiểm, hoạt động xuyên quốc gia; thu giữ lượng ma túy rất lớn, trong đó có hàng tấn cây cần sa tươi và cần sa khô được các đối tượng trồng hoặc buôn bán bất hợp pháp từ nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Việt Nam có đường biên giới trên biển với Thái Lan, là địa bàn trọng điểm được các đối tượng tội phạm ma túy hướng tới để triển khai các hoạt động buôn bán ma túy trái phép. Việc Thái Lan có chính sách mới về vấn đề cây cần sa đã làm tăng nguồn cung cho các đối tượng tội phạm trong khu vực.
Để ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, nhất là cần sa từ Thái Lan vào trong nước, các lực lượng chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát tình hình để tham mưu Chính phủ có các giải pháp phù hợp; tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế để trao đổi thông tin, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; đẩy mạnh công tác tuần tra, giám sát khu vực biên giới trên bộ và trên biển nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động buôn lậu cần sa vào Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết