Lực lượng chức năng huyện Hàm Yên diễn tập ứng phó với mưa lũ trên sông Lô.
Công ty Thủy điện Tuyên Quang mở hoàn toàn cửa xả đáy thứ nhất vào hồi 17h30 ngày 1-6 và mở tiếp hoàn toàn cửa xả đáy thứ hai vào hồi 7h00 ngày 2-6. Lưu lượng nước xả (qua máy + qua tràn) tương ứng với 1 cửa xả là 1220 m3/s; tương ứng với 2 cửa xả là 1.820 m3/s. Mực nước hạ lưu lớn nhất sau công trình 54,57 m. Dự báo của Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh mực nước trên sông Gâm, sông Lô sẽ lên ở mức báo động 1, trên báo động 1.
Để đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân vùng hạ du, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn trương thông báo đến các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải đường thủy…khu vực hạ du thủy điện Tuyên Quang biết để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản. Các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, nhanh chóng thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn công trình.
Ngay khi nắm được thông tin hồ thủy điện Tuyên Quang xả lũ, HTX thủy sản Yên Nguyên (Chiêm Hóa) đã gấp rút huy động nhân lực di chuyển toàn bộ lồng bè nuôi cá của HTX vào khu vực an toàn. Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX cho biết, 62 lồng bè nuôi cá chiên, bỗng và trắm đã được di chuyển vào khu vực khuất để giảm thiểu tác động khi mực nước sông dâng đột ngột.
Dù đã được di chuyển đến nơi an toàn nhưng ông Đinh Văn Thịnh, thành viên HTX thủy sản Yên Nguyên vẫn bám trụ trên lồng bè nuôi cá để chủ động ứng phó khi nước lũ về. Ông Thịnh bảo, lũ về sẽ cuốn theo cây, rác nếu không đẩy đi rác mắc nhiều lại, gặp luồng nước mạnh rất dễ gây vỡ lồng lúc đó thiệt hại sẽ rất lớn.
Hàng chục hộ chăn nuôi cá lồng dọc theo sông Lô cũng đang túc trực tại lồng bè để sẵn sàng di chuyển. Anh Nguyễn Văn Sáng, tổ 7, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) chia sẻ, do địa hình khu vực sông không thể di chuyển ngay mà phải chờ nước, nước lên đến đâu anh di chuyển đến đó.
Thành viên HTX thủy sản Yên Nguyên (Chiêm Hóa) di chuyển lồng bè nuôi cá vào khu vực an toàn.
Phương châm xanh nhà hơn già đồng, các hộ dân có đất canh tác phía hạ du hồ thủy điện cũng đã tranh thủ thu hoạch lúa, cây màu. Bà Đỗ Thị Lộc, thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh (Sơn Dương) tính toán, ngày mai nước lũ mới về đến nơi, song để bảo toàn tài sản, bà đã huy động anh em, con cháu thu hoạch hết diện tích ngô, không để "nước đến chân mới nhảy", không để xảy ra thiệt hại.
Ngành Giao thông- Vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cũng tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát tại các bến đò ngang, gầm tràn, cầu phao để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại. Thông tin từ Hạt Giao thông huyện Na Hang, hạt đã có phương án vận hành cầu phao Bắc Danh, xã Thanh Tương cho phù hợp với tình hình xả nước đảm bảo an toàn công trình và phục vụ đi lại của người dân.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng và Thủy văn quốc gia, trong những ngày tới nhiều khu vực trong tỉnh tiếp tục có mưa, mưa rào và cục bộ có nơi mưa to và dông đồng nghĩa với lưu lượng nước về hồ sẽ tiếp tục tăng lên, nguy cơ xuất hiện các đợt lũ trên sông Lô, sông Gâm.
Ông Bùi Chí Thanh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, đồng thời đảm bảo an toàn khi hồ thủy điện xả lũ, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương và người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, nhanh chóng thực hiện các biện pháp ứng phó, tổ chức di dời các hộ dân vùng xung yếu đến nơi an toàn. Sở Giao thông - Vận tải tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát người qua lại tại các khu vực cầu phao, cầu treo, các tràn ngầm, bến đò ngang có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bố trí lực lượng thường trực, sẵn sàng vật tư, phương tiện cần thiết, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và tổ chức, khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời.
Gửi phản hồi
In bài viết