Khởi động sản xuất vụ xuân 2021, trên địa bàn tỉnh liên tiếp đón nhận những đợt giá rét dưới 15 độ C, báo hiệu một mùa vụ đầy khó khăn, thách thức. Thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo hiện tượng La Nina (thuộc dòng biển lạnh) sẽ tiếp tục duy trì từ nay cho tới những tháng đầu năm 2021, gây khó khăn cho sản xuất vụ xuân, cần có kịch bản ứng phó.
Do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, nông dân nhiều địa phương vẫn chưa xuống giống. Ông Phạm Văn Hạnh, thôn Yên Quang, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết, mặc dù đất đã cày ải, nhưng suốt từ cuối tháng 12 đến nay, liên tục các đợt rét đậm, rét hại xảy ra, lo ngại thiệt hại, ông không ngâm ủ thóc giống. Ông Hạnh chờ thời tiết ấm lên làm lại đất, gieo thẳng để đảm bảo khung thời vụ.
Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra sản xuất tại xã Tân An (Chiêm Hóa).
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định, vụ xuân 2021 sẽ nghiêng về vụ xuân lạnh, trong đó rét tháng 1 từ 2-2021 nguy cơ gây chết lúa non giai đoạn gieo, cấy và lạnh tháng 4 ảnh hưởng giai đoạn lúa trổ bông. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngành đã xây dựng “kịch bản” ứng phó. Cơ cấu giống được thay đổi để phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của từng vùng. 16 giống lúa được lựa chọn đưa vào gieo trồng vụ xuân của tỉnh, trong đó có một số giống chủ lực: Iri352, N97, J02, Nhị ưu 838, Bắc Thơm số 7, Đài thơm số 8, Bắc Hương số 9... Đây là các giống lúa chất lượng có sức chống chịu tốt sâu, bệnh hại thích nghi với thời tiết bất thuận. Khung lịch thời vụ gồm trà chính vụ và trà muộn, trong đó trà chính vụ gieo mạ từ ngày 25-12 đến ngày 31-12-2020, cấy từ ngày 25 đến ngày 30-1-2021; trà muộn gieo mạ từ ngày 10 đến ngày 20-1, cấy từ ngày 5 đến ngày 25-2.
Theo ông Tuyên, điều quan trọng nhất là các địa phương phải bám sát khung lịch thời vụ, theo dõi diễn biến thời tiết để đôn đốc chỉ đạo bà con thực hiện đúng kỹ thuật. Tuyệt đối không ngâm ủ, gieo mạ và cấy vào ngày dưới 15 độ C; thực hiện che phủ nilon cho 100% diện tích mạ gieo, dưỡng nước đầy đủ, không bón phân đạm, phân NPK tập trung bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, tro bếp giữ ấm cho mạ. Ngành cũng đề nghị doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống, vật tư chủ động dự phòng nguồn giống cung ứng đủ phục vụ sản xuất trong hoàn cảnh phải gieo cấy lại. Đối với những diện tích quá khung thời vụ, chuyển đổi sang trồng các loại cây màu ngắn ngày.
Riêng đối với thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, bơm, trữ, điều tiết nước khoa học, hợp lý đảm bảo đủ nước phục vụ gieo cấy và tưới dưỡng cho cây trồng, đặc biệt là diện tích lúa xuân trong cả vụ.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có 161,4 tấn lúa giống được gieo, trong đó 63 tấn lúa lai, 98,4 tấn lúa thuần, tương đương diện tích cấy 4.287 ha. Qua kiểm tra sản xuất tại huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, Sơn Dương tuổi mạ được từ 5 - 13 ngày, 100% diện tích mạ đã được che phủ nilon, mọc mầm đều. Tuy nhiên, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài suốt từ giữa tháng 12 đến nay khiến cây mạ sinh trưởng chậm, một số diện tích mạ có hiện tượng trắng lá, nhiễm nấm mốc. Sở yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc huyện, thành phố tăng cường cán bộ xuống cơ sở đôn đốc, hướng dẫn nhân dân ngâm ủ, gieo mạ, cấy lúa đúng kỹ thuật, thực hiện các biện pháp phòng chống rét và phòng trừ dịch hại cho cây trồng kịp thời, hiệu quả. Trong trường hợp mạ quá tuổi hoặc chết do rét đậm, rét hại kéo dài hướng dẫn nhân dân khẩn trương gieo lại bằng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn như KM18, GS55; quá khung thời vụ bà con linh động chuyển hướng trồng cây màu ngắn ngày như đậu, đỗ... để bảo đảm thu nhập.
Gửi phản hồi
In bài viết