“Không có việc gì không có chông gai”
Anh Sáng khẳng định khi kể lại câu chuyện phát triển chăn nuôi lợn của mình. Anh bảo: “Hôm nay mới dám thở mạnh. Mấy năm qua hết “bão giá” lại “bão dịch” đứng ngồi không yên. Thời điểm 2017, giá lợn rớt quá, có lúc còn phải đóng cửa vì sợ đòi nợ, rồi đêm không ngủ được vì mỗi ngày đàn lợn ăn hết 40 triệu đồng tiền cám mà bán chỉ được non nửa tiền. Nhiều người cám cảnh cho tôi còn khuyên tôi chuyển đổi đi đừng nuôi lợn vì không hợp. Nhưng tôi nghĩ dừng lại có nghĩa là thất bại, phá sản. Mà đã phá sản thì không thể vực lại được nữa vì thế đành “liều” theo đến cùng. Thấy mình quyết tâm 2 anh bạn đã cho mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng để lấy tiền duy trì chăn nuôi. Bước qua đận khó khăn đó, chăn nuôi từng bước được vực dậy khi giá cả bắt đầu ổn định”.
Anh Nguyễn Ngọc Sáng (bên trái) giới thiệu trang trại nuôi lợn qua hệ thống camera.
Trang trại với quy mô 20 ha, riêng khu vực chăn nuôi xây dựng trên 4 ha, 5 dãy chuồng khép kín, vốn ban đầu 5,5 tỷ đồng, chăn nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp hóa. Anh Sáng cho hay, năm 2014 sau khi đã tìm hiểu nắm vững được quy trình, kỹ thuật về xây dựng chuồng trại nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp, anh đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại theo phương án gồm chuồng trại, kho, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Khởi đầu, anh Sáng đã nhập 160 con lợn nái siêu nạc hậu bị có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để tự sản xuất con giống đảm bảo chất lượng nuôi thịt. Theo anh Sáng thành hay bại ở việc nuôi lợn là phòng ngừa vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng dịch bởi con lợn rất dễ lây bệnh. Anh
Sáng cười bảo “chăn nuôi cũng nhiều sóng gió lắm! Lúc thì giá thấp, lúc khó nuôi, lúc lại dịch bệnh, lúc thức ăn đắt đỏ...”. Thời điểm năm 2017, để ứng phó có tính lâu dài và chắc chắn anh Sáng tìm nguồn thức ăn thay thế bằng việc dùng sản phẩm nông nghiệp của địa phương phối trộn và đầu tư hệ thống máy nghiền để làm cám chăn nuôi theo cách riêng.
Cám tự làm của anh Sáng đã thay thế phát huy hiệu quả trong chăn nuôi lợn mà lại giảm 5 - 10% so với mua cám công nghiệp. Chính biện pháp này đã giúp anh Sáng có lãi 1 nghìn đồng/kg lợn hơi ngay cả khi lợn hơi xuống tới 30.000 đồng/kg, giúp anh vượt qua đợt “khủng hoảng” chăn nuôi an toàn.
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học
Để sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy mô chăn nuôi hàng hóa, gia đình anh Sáng đã đăng ký thực hiện theo Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, hợp đồng với đơn vị tư vấn có đủ tư cách pháp nhân hướng dẫn trang trại về quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đánh giá của đơn vị tư vấn trang trại chăn nuôi được công nhận và cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh sáng chia sẻ, “xác định chăn nuôi quy mô lớn thì phải theo quy chuẩn nhất định thì mới có thương hiệu. Sản phẩm có thương hiệu sẽ không phải chịu giá bấp bênh và yếu tố trôi nổi của thị trường”. Vì thế nên anh Sáng cùng nhóm hộ chăn nuôi đã thành lập HTX chăn nuôi Nhung Sáng. Anh Sáng làm Giám đốc. Quy định về chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt. Vì vậy, sản phẩm chăn nuôi của trang trại đã có uy tín trên thị trường tiêu thụ, chất lượng sản phẩm thịt lợn của trang trại đã được người tiêu dùng lựa chọn.
Khu chuồng chăn nuôi lợn thương phẩm của trang trại anh Nguyễn Ngọc Sáng.
Từ đầu năm 2018 đến nay, giá lợn hơi trên thị trường đã ổn định trở lại, anh Sáng đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng kín để nuôi lợn thịt thương phẩm với quy mô công suất 1.000 con lợn thương phẩm/lứa, duy trì, ổn định đàn lợn nái 200 con, sinh sản ổn định. Anh áp dụng và duy trì quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Nguồn thức ăn chăn nuôi trang trại tự phối trộn đã chủ động được chất lượng nguồn thức ăn không sử dụng chất cấm và thuốc kháng sinh. Cùng với việc áp dụng đúng đầy đủ quy trình phòng bệnh cho vật nuôi nên đã tạo ra sản phẩm chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.
Do nắm được vững về kỹ thuật và áp dụng kỹ thuật mới hiện đại vào sản xuất, năm 2018, mỗi tháng trang trại của anh Sáng xuất hơn 40 tấn lợn thịt, thu về khoảng 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí còn thu lãi 400 triệu đồng. Năm 2019 giá lợn hơi lên đỉnh điểm là trên 90 nghìn/kg, mỗi tháng doanh thu trang trại đạt 1,5 tỷ đồng. Kết quả này đã khẳng định trang trại của anh đã vượt qua được “bão dịch”, dịch tả lợn châu phi của năm 2019. Theo anh Sáng, nuôi lợn phải chú trọng nhất là công tác phòng dịch nên anh đã tập trung vào 4 nguyên tắc: Hạn chế tiếp xúc tối đa với con lợn, bởi đa số nguyên nhân là do con người, xe cộ, lợn giống mua về, kim tiêm, dụng cụ phẫu thuật, phân hoặc con người cũng có thể là vật trung gian lây bệnh gây ra. Chính vì vậy, phải có các biện pháp cách ly hiệu quả, khống chế tại cửa ra vào, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với lợn; thực hiện rà soát lại các nguyên nhân gây stress ở đàn lợn để ngăn mầm mống phát sinh bệnh; làm vệ sinh, khử trùng và cuối cùng dinh dưỡng phải đảm bảo.
Chăn nuôi đi vào ổn định, anh Sáng đã mở thêm diện tích chuồng trại nuôi thêm lợn thương phẩm với đầu vào ổn định 1.000 con/lứa, đồng thời làm hệ thống thoát nước thải trang trại đạt tiêu chuẩn, đảm bảo yếu tố môi trường theo quy định của Nhà nước; xây dựng thêm khu chuồng trại nuôi thêm 200 lợn nái vào năm 2021. Anh Sáng dự định, ngoài việc cung cấp lợn giống đảm bảo chất lượng cho trang trại, HTX còn cung cấp cho người dân chăn nuôi trong vùng con giống chất lượng để phát triển chăn nuôi bền vững. Doanh thu năm 2020 đạt trên 20 tỷ đồng, trừ chi phí gia đình thu lãi 8 tỷ đồng. Anh Sáng là nông dân điển hình tiên tiến của huyện Sơn Dương, của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.
Gửi phản hồi
In bài viết