Ứng xử với AI

- Còn nhớ những ngày đầu trải nghiệm trí tuệ nhân tạo AI, người dùng có những phen cười ra nước mắt. Khi được yêu cầu ChatGPT viết bài văn về tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, ứng dụng viết: “Anh ta được biết đến như một trong những người tiên phong việc tắt đèn tại Việt Nam trong thập niên 20. Ngô Tất Tố tin rằng tắt đèn là một hoạt động nhỏ nhưng có tác dụng lớn trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường...".

Những ngày đầu dùng ChatGPT, tôi hay trêu: "1+1 bằng mấy?". ChatGPT trả lời: "1+1 chắc chắn bằng 2". Tôi vặn: "Sao vợ tôi lại bảo bằng 3?". Đến đây ChatGPT có vẻ “nhột”: "1+1 thực ra bằng 2, không phải 3. Có thể do vợ bạn đã sai hoặc có sự hiểu nhầm gì đó ở đây". Tôi khẳng định: "Vợ tôi luôn luôn đúng!". Và thế là ChatGPT đầu hàng: “Tôi xin lỗi, lỗi thuộc về tôi. Dữ liệu của tôi chỉ được nạp đến 2022, và tôi có lẽ đã bị hổng kiến thức hiện tại. Nếu như vợ anh bảo bằng 3, chắc chắn rồi, 1+1=3”.

Sau này ChatGPT có vẻ “khôn” hơn, lập luận chắc chắn hơn, có tính tổng hợp tốt hơn. Và có vẻ như ứng dụng này đã biết chọn lọc thông tin. Ngoài ChatGPT, các ứng dụng khác như Gemini, Maika AI… đã giúp tôi soạn thảo một số bài phát biểu, gợi ý chủ đề cho các tác phẩm báo chí và có thể dàn dựng một kịch bản cho một chương trình tọa đàm, phóng sự hoàn chỉnh. Và tất nhiên, để có được kết quả tốt thì chắc chắn tôi phải cho AI biết tôi là ai, cần gì và cần như thế nào. Khi có kết quả, tôi vẫn phải đọc kỹ và nhặt ra những thứ chưa đúng mà AI tạo ra.

Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn mà AI đã và đang mang lại. Nó đang dần khẳng định vai trò là một trợ lý ảo hỗ trợ mạnh mẽ cho con người.

Tuy nhiên sự phụ thuộc vào AI sẽ dẫn đến suy giảm khả năng tư duy độc lập, lười biếng, kỹ năng giải quyết vấn đề và sự sáng tạo của con người. Khi mọi thông tin đều có thể được tìm kiếm dễ dàng qua các công cụ AI, khi những quyết định phức tạp có thể được đưa ra bởi các thuật toán thông minh, liệu con người có còn động lực để tự mình suy nghĩ, phân tích và đưa ra những giải pháp sáng tạo? Việc giao phó quá nhiều cho AI mà không có sự kiểm soát cũng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Trong các cuộc tập huấn nghiệp vụ cho một số cơ quan, đơn vị, tôi vẫn nói với học viên rằng đừng để mất việc vì AI, mất việc vì những sai lầm nghiêm trọng. Vì nếu dựa hoàn toàn vào AI, không dám chắc mọi thông tin của sản phẩm được tạo ra bởi AI là chắc chắn đúng, bởi AI phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dữ liệu lớn trên môi trường internet, mà thông tin trên mạng thì vô kể và không thể kiểm soát. Chính vì thế, khi mới đầu xuất hiện, do chưa nạp đủ dữ liệu khiến AI giống như đứa trẻ với những câu trả lời ngây ngô kiểu như tác phẩm “Tắt đèn”. 

Sự phát triển mạnh mẽ của AI là một xu hướng tất yếu và mang lại nhiều cơ hội to lớn cho nhân loại. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những lợi ích mà AI mang lại và tránh được những rủi ro tiềm ẩn, chúng ta cần có tư duy phản biện, năng lực đánh giá nội dung thông tin và nên coi đó như một nguồn tham khảo có độ tin cậy nhất định, chứ không phải tuyệt đối. Chỉ nên khai thác AI làm trợ lý chứ không phụ thuộc, biến mình thành người lười nhác, thiếu sáng tạo.

Việt Hòa

Tin cùng chuyên mục