Du khách quốc tế trải nghiệm ở Tràng An, Ninh Bình. (Ảnh: CTV).
Theo tin từ Tổng cục Du lịch, Phiên thảo luận cấp cao nằm trong khuôn khổ Hội nghị Bộ Quy tắc quốc tế về Bảo vệ khách du lịch diễn ra tại Phnom Penh chiều 15/6. Đoàn công tác Tổng cục Du lịch do Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh dẫn đầu tham dự sự kiện.
Trong bài phát biểu đề dẫn về “Gây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng du lịch sau đại dịch Covid-19”, bà Alicia Gomez, Cố vấn pháp lý của UNWTO nêu ra những thách thức trong việc bảo vệ khách du lịch, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19.
Theo bà Alicia, Bộ quy tắc đã được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng lần thứ 24 của UNWTO vào tháng 12/2021. Bộ quy tắc cung cấp hướng dẫn thực tiễn cho các chính phủ và đề xuất các chính sách cấp quốc gia, phân tích mối quan hệ giữa các bên liên quan trong ngành du lịch và đưa ra các khuyến nghị nhằm bảo vệ và hỗ trợ khách du lịch.
Các quốc gia thành viên được khuyến nghị tuân thủ Bộ quy tắc, chia sẻ kinh nghiệm với các nước thành viên và thực hiện chế độ báo cáo với UNWTO. Đồng thời, áp dụng những tiêu chuẩn tối thiểu về bảo vệ khách du lịch sau khi tiêu chuẩn hoá và hài hoà hoá các quy tắc. Khối nhà nước và tư nhân đều được khuyến khích thực hiện Bộ quy tắc này và đưa các nội dung của Quy tắc vào những hợp đồng ký với khách du lịch.
Các diễn giả tham gia thảo luận tại Phiên thảo luận cấp cao nằm trong khuôn khổ Hội nghị Bộ Quy tắc quốc tế về Bảo vệ khách du lịch diễn ra tại Phnom Penh chiều 15/6. (Ảnh: Tổng cục Du lịch)
Trong phiên thảo luận, các diễn giả từ Indonesia, Philippines, Maldives, Nhật Bản, Trung Quốc và Hiệp hội Lữ hành châu Á - Thái Bình Dương (PATA) đều đồng quan điểm về việc bổ sung nội dung về bảo vệ khách du lịch vào Bộ Luật Du lịch, cũng như thành lập bộ phận phản ứng nhanh để ứng phó với các vấn đề bảo vệ quyền lợi và an toàn cho du khách.
Các diễn giả cho rằng, cần chú trọng đến thu hút lại nguồn nhân lực ngành du lịch, đào tạo và nâng cao chất lượng để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho du khách, phát triển du lịch tự cường để theo kịp những bước nhảy vọt về công nghệ của thế giới hiện nay, đòi hỏi các quốc gia phải cố gắng ứng dụng công nghệ nhiều hơn.
Về giải pháp lấy lại lòng tin của khách du lịch, các diễn giả nhất trí cần tạo lợi ích cho những người dân địa phương đồng thời bảo đảm lợi ích của khách du lịch, có cơ chế phối hợp giữa nhà nước và tư nhân để đảm bảo trải nghiệm tốt cho khách, xây dựng văn hóa du lịch,...
Tại phiên thảo luận kỹ thuật về hỗ trợ khách du lịch quốc tế trong các tình huống khẩn cấp, các diễn giả nhấn mạnh về sự cần thiết có những cơ chế linh hoạt để khuyến khích các nước hỗ trợ và bảo vệ khách du lịch phù hợp với khả năng và môi trường du lịch của mỗi nước.
Cần có hợp tác giữa các hãng hàng không và chính phủ, đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia về việc chuẩn bị sẵn sàng cho các trường hợp xấu, các khủng hoảng du lịch, sẵn sàng cung cấp thông tin và hỗ trợ cho du khách ngay khi có tình huống khẩn cấp; khuyến khích du khách trang bị cho bản thân, tìm hiểu thông tin về điểm đến, trang bị bảo hiểm du lịch,...
Về tiêu chuẩn tối thiểu bảo vệ khách du lịch, các diễn giả khẳng định bên cung cấp dịch vụ là một nhân tố quan trọng, cần cung cấp thông tin rõ ràng tới bên người tiêu dùng (từ các bên xuất nhập cảnh, sân bay... cho đến các bên cung cấp dịch vụ du lịch).
Khách du lịch cần được tuyên truyền và hiểu biết về Bộ Quy tắc quốc tế về Bảo vệ khách du lịch, điểm đến cần tận dụng sức mạnh của truyền thông để tăng cường tuyên truyền, thông tin cho du khách. Ngoài ra, cần xây dựng mối quan hệ tốt giữa bên cung cấp dịch vụ và các bên Đại sứ quán, tổng lãnh sự quán để hỗ trợ khách du lịch trong trường hợp cần thiết,...
Gửi phản hồi
In bài viết