Nhiệm vụ của hệ thống chính trị
Hiện nay, một số nơi đồng bào DTTS chưa nắm được các quy định pháp luật liên quan tới quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Nhu cầu của đồng bào DTTS trong việc tìm hiểu pháp luật tập trung chủ yếu vào 6 nhóm lĩnh vực bao gồm: Hỗ trợ, ưu đãi hộ nghèo; chính sách ưu đãi về y tế, chính sách về giáo dục, bình đẳng nam, nữ; hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và trợ giúp pháp lý.
Xác định, PBGDPL là nhiệm vụ của hệ thống chính trị các cấp và nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong đồng bào DTTS, năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội LHPN tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh Hợp tác xã… Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức 16 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động đồng bào DTTS cho 1.229 lượt người là cán bộ theo dõi công tác dân tộc cấp huyện, cấp xã, trưởng thôn, bản, đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng bào Dao, thôn Phai Đá, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) tìm hiểu về pháp luật qua báo chí.
Ban Dân tộc tỉnh cũng tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 566 đại biểu người DTTS; 6 hội nghị tập huấn cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn cho 463 người có uy tín. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL và vận động đồng bào DTTS cho 630 lượt người là cán bộ theo dõi công tác dân tộc cấp huyện, cấp xã, trưởng thôn, bản.
Đồng chí Hoàng Thị Thắm, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS trong thời gian qua được các cấp, ngành, địa phương tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, còn lồng ghép các hoạt động tuyên truyền với các hoạt động giao lưu văn hóa, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của thôn, bản, các đoàn thể chính trị của xã hội thôn, bản. Đề cao, làm tốt công tác chính sách, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng đối với công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Chú trọng, phát huy vai trò của người có uy tín
Hơn 20 năm qua, ông Lý Văn Sự, người có uy tín trong đồng bào Mông thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương) cùng với cán bộ chủ chốt của thôn miệt mài với nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình nhằm phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; vận động tín đồ theo Đạo Tin lành sống tốt đời, đẹp đạo, chấp hành tốt các chủ trương, pháp luật trên mọi lĩnh vực, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Súa nhấn mạnh, thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm về mặt đạo đức và pháp luật, mà còn gây nhiều hệ lụy khác cho xã hội. Ông Súa luôn đề cao, vận dụng vai trò người có uy tín của ông Sự trong vận động các hộ đồng bào Mông nâng cao nhận thức, từng bước loại bỏ hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Nếu như cách đây chừng 20 năm, tình trạng này chiếm tỷ lệ trên 90% thì 10 năm trở lại đây, tình trạng đó giảm hẳn. 10 năm qua, trung bình mỗi năm có từ 5 - 6 cặp vợ chồng tảo hôn, rồi giảm dần còn 2 - 3 cặp/năm. Từ năm 2020 đến nay, thôn không có tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Nhiều năm qua, thôn không có người Mông mắc tệ nạn xã hội. Giai đoạn 2010 - 2020, ông Lý Văn Sự được Công an tỉnh khen thưởng vì đã có thành tích trong công tác phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào DTTS trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".
Tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình trong đồng bào Mông, thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương).
Cũng như ông Lý Văn Sự tham gia tuyên truyền, PBGDPL, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh còn phát huy vai trò, trách nhiệm, uy tín phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Qua đó, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc ngay từ cơ sở, không để nảy sinh thêm vấn đề phức tạp; góp phần giữ gìn khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Những năm gần đây, tại nhiều địa phương trong tỉnh diễn ra tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp rất phức tạp. Với vai trò Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn 5, xã Tân Tiến (Yên Sơn), Tổ trưởng tổ hòa giải thôn, ông Hồ Ngọc Quang, người có uy tín đã tuyên truyền pháp luật, hòa giải thành công nhiều vụ việc tranh chấp đất đai của các hộ dân kéo dài trong nhiều năm liền; không có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Ông Quang bày tỏ, bản thân phải trau dồi kỹ năng lồng ghép PBGDPL trong quá trình hòa giải ở cơ sở; nắm chắc các quy định của pháp luật có liên quan, nắm rõ nguyên nhân phát sinh tranh chấp để hòa giải đúng, vận dụng, viện dẫn, các điều luật phù hợp với nội dung tranh chấp xảy ra. Đồng thời có căn cứ giải thích, hướng dẫn, thuyết phục các bên tranh chấp hiểu được hành vi của mình đúng hay sai, vi phạm pháp luật hay không vi phạm pháp luật… để các bên hiểu và tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS.
Gửi phản hồi
In bài viết