Toàn tỉnh hiện có 998 tổ hợp tác và HTX, trong đó có 452 HTX với 32.318 thành viên, tổng số vốn điều lệ trên 1.330 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017 - 2020, kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX đã góp phần vào tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đồng thời đã tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động trong tỉnh. Nhiều HTX đã mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thêm các dịch vụ mới gắn với chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012. Tiêu biểu như HTX Chè 168, HTX Chè Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên); HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang); HTX Chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang); HTX Sản xuất rau quả an toàn Đức Ninh (Hàm Yên), HTX Dịch vụ nông nghiệp Ỷ La (TP Tuyên Quang)...
Nhân viên HTX Dược liệu Thuận Hằng, xã Thái Sơn (Hàm Yên) kiểm tra cây dược liệu.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua “Tuyên Quang - Chung sức xây dựng nông thôn mới”, các HTX đã củng cố bộ máy, xây dựng phương án sản xuất, đầu tư máy móc, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong hoạt động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương.
Không ngừng nỗ lực, sau hơn 3 năm thành lập, đến nay, HTX Dược liệu Thuận Hằng, xã Thái Sơn (Hàm Yên) đã dần lớn mạnh. Khi mới thành lập, HTX có 7 thành viên, nhưng đến nay HTX đã phát triển lên 15 thành viên và đang liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch công nghệ cao Quảng Bình (Quảng Bình) đầu tư trồng 4,1 ha cây dược liệu, trong đó 1 ha cây sâm bố chính, 3 ha cát sâm, 0,1 ha khôi nhung.
Xã Hùng Mỹ có số lượng gia súc lớn của huyện Chiêm Hóa, toàn xã hiện có trên 1.800 con trâu và gần 500 con bò. Để đảm bảo cho việc chăn nuôi hiệu quả, xã đã thành lập HTX Nông lâm nghiệp Thành Công với 7 thành viên thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Ông Lương Hải Tuyên, Giám đốc HTX cho biết, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo khá đơn giản, khi đàn trâu bò đã được tiêm đầy đủ các loại vắc xin, nguồn thức ăn được phối trộn, đủ dinh dưỡng thì trâu béo khá nhanh, thường thì 3 tháng được xuất chuồng. Hiện nay, số lượng trâu, bò sau nuôi vỗ béo đang được HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) nhận bao tiêu, nhờ đó mỗi thành viên trong HTX có thu nhập từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng; một số thành viên vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá trong xã như gia đình ông Nguyễn Văn Nguyên, thôn Mũ; ông Ma Văn Va, thôn Nặm Kép…
Xây dựng các mô hình kinh tế HTX đã và đang tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở mỗi miền quê ngày càng phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết