Khám phá Slư nam của người Tày xứ Tuyên

- Slư nam là chữ Nôm Tày. Slư là chữ, nam là nôm. Là dân tộc có số người đông thứ hai, người Tày Tuyên Quang đã sớm sáng tạo, tìm tòi ra chữ Nôm cho riêng dân tộc mình. Chữ viết tượng hình này đã được cha ông dùng để ghi lại những câu chuyện lịch sử, bài văn, bài thơ, tập tục, nét văn hóa truyền thống.

Chữ viết của thánh hiền

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Đại Hồng có nhiều năm nghiên cứu chữ Nôm Tày. Ông chia sẻ, chữ Nôm Tày được xây dựng hoàn toàn trên cơ sở chữ Hán bao gồm toàn bộ các nét, các bộ thủ và các chữ Hán, nguyên bản Hán bằng nhiều cách khác nhau. Từ khi ra đời nó đã trở thành công cụ đắc lực để ghi chép lời ăn tiếng nói. Đặc biệt, xa xưa, chữ nôm Tày được dùng trong tất cả các văn bản có giá trị pháp lý như khế ước, mua bán, chuyển nhượng đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lịch sử, địa lý và các tác phẩm văn học...

Nhà văn hóa dân gian Tống Đại Hồng tin học hóa chữ Nôm Tày.

Nghệ nhân dân gian Lương Long Vân, phường An Tường (TP Tuyên Quang) là người vô cùng am hiểu, thành thạo chữ Nôm Tày. Ông bảo, từ lâu chữ Nôm Tày được viết trên giấy bản do người dân địa phương tự làm. Đây là chữ khối vuông, thuộc thể loại chữ tượng hình. Trong cách viết, Nôm Tày phải tuân thủ trình tự là viết từ trái sang phải, từ trên xuống dưới theo hàng dọc.

Hiện nay, tại tỉnh ta vẫn còn lưu truyền khá nhiều văn bản chữ Nôm Tày trong dân gian. Chủ yếu là tại nhà của các thầy cúng, người đứng đầu các dòng họ, người uy tín lâu năm. Các sách có chữ Nôm Tày như sách về mo, then, bụt, tào; sách cúng, bói, địa lý, chữa bệnh. Đặc biệt các tác phẩm văn học như “Toẹn sli” (Truyện thơ), “sli lẩu” (Thơ hát trong lễ cưới), “lượn Then, lượn Cọi”... (Hát giao duyên)...

Chúng tôi đến gia đình ông Hoàng Văn Tân, thôn Nà Thom, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) khám phá “kho báu trăm tuổi” của ông. Lật mở một trong số 200 cuốn sách cổ người Tày có niên đại lên đến 100 - 200 năm, được ông gói vào từng mảnh vải đỏ rồi đặt cẩn thận vào hòm gỗ. Ông Tân bộc bạch, từ xa xưa, theo quan niệm của người Tày thì vạn vật đều có linh hồn, tồn tại các vị thần gió, thần mưa, thần trông coi lúa gạo, hoa màu và chăn nuôi... Do đó, người Tày có nhiều nghi lễ, như: cúng mưa, cúng thóc giống, cúng hồn gia súc, Cấp sắc... Những nghi lễ đó được lưu giữ trong những cuốn sách cổ nhưng phải là những người biết đọc chữ Nôm Tày mới có thể thực hiện được.

Kho tàng sách cổ của ông Hoàng Văn Tân, thôn Nà Thom, xã Khuôn Hà (Lâm Bình).

Theo Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức thì kho tàng chữ viết Nôm Tày cũng như sách cổ, văn tự Nôm Tày hiện khá phong phú trong dân gian. Chủ yếu là tại các nhà thầy Then, thầy Tào, thầy cúng, người đứng đầu dòng họ. Đây là kho tàng kiến thức đặc biệt thu hút nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian người Tày say mê khám phá, tìm hiểu.

Khát vọng “còn tiếng và còn chữ”?

Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi hội Văn nghệ dân gian Tuyên Quang thì hiện nay có khoảng hơn 100 người biết chữ Nôm Tày, chủ yếu là các thầy Then, thầy cúng, thầy Tào. Hầu hết họ đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, thế hệ con cháu ít người quan tâm đến chữ của cha ông. Chữ Nôm Tày hiện đang bị mai một với thực trạng đáng buồn “còn tiếng nhưng mất chữ”.

Chữ viết Nôm Tày Tuyên Quang được lưu giữ trong những cuốn sách cổ.

Anh Nông Văn Hoàng, dân tộc Tày, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) chia sẻ: “Trong gia đình tôi, từ ông bà, bố mẹ đến các con cháu đều sử dụng tiếng Tày trong giao tiếp hàng ngày với cộng đồng người Tày và biết tiếng Tày tại địa phương, sử dụng tiếng phổ thông khi giao tiếp với những người không biết tiếng Tày. Nhưng chữ Nôm Tày thì không ai trong gia đình biết viết, biết đọc”.

Giải thích lý do vì sao chữ viết Nôm Tày ngày càng bị thất truyền, ông Hoàng Văn Tân, thôn Nà Thom, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) chia sẻ, chữ Nôm Tày cùng với Nôm Kinh, đều thuộc hệ chữ khó học. Muốn có lưng vốn Nôm Tày người ta phải biết khá thành thạo chữ Hán Việt. Tuy nhiên, người trẻ giờ khá thờ ơ với văn hóa dân tộc, đặc biệt là chữ Nôm Tày.

Với khát vọng vừa giữ gìn tiếng nói chữ viết, nhiều năm qua các nghệ nhân dân gian, thầy cúng, thầy tào đã mở lớp dạy chữ Nôm Tày. Nghệ nhân dân gian Hà Ngọc Cao, thôn Quang Trung, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) nhiều năm nay thường xuyên mở lớp dạy chữ Nôm Tày miễn phí. Ông chia sẻ, ông dạy chữ cho hàng trăm người, đa số đó là những người có tâm nguyện làm thầy Tào, thầy cúng. Học trò nào phải thực sự đam mê, chăm chú học tập một cách thành tâm thì mới vượt qua được những “ải” của chữ tượng hình này. Người nào học được chữ Nôm Tày thành thạo là cả một quá trình tu dưỡng không ngừng nghỉ.

Ông Hà Ngọc Cao dạy chữ Nôm Tày miễn phí cho trẻ em.

Để bảo tồn chữ viết Nôm Tày, các hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Tuyên Quang đã phối hợp để thực hiện các đề tài khoa học về chữ viết của người Tày. Đặc biệt là nghiên cứu về “Văn quan làng Tuyên Quang”, “Thơ thất ngôn trường thiên người Tày”... Đặc biệt, để bắt nhịp với xu hướng công nghệ 4.0, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Đại Hồng đã tự thiết kế để đưa bộ chữ Nôm Tày Tuyên Quang trên máy tính, nghĩa là đã tin học hóa chữ Nôm Tày. Đến nay ông Hồng đã tin học hóa được hơn 4.000 chữ Nôm Tày. Đây là cơ sở nền tảng để sắp tới ông ra mắt cuốn “Từ điển Nôm Tày Tuyên Quang”.   Ông Hồng chia sẻ: “Để bảo tồn chữ viết rất cần sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và mạng Internet. Tôi cũng công khai các bài viết gửi đến các trang báo điện tử để cộng đồng người Tày tham khảo. Từ đó góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày”. 

Trong ngôn ngữ của người Tày, chữ Nôm Tày có phần uyển chuyển, giàu và đẹp hơn, điều đó đã khiến cho lời ăn tiếng nói của người Tày trở nên hết sức phong phú, tinh tế và khái quát. Do đó việc tìm hiểu, bảo tồn, giữ gìn “Slư nam” của người Tày góp phần mở ra một kho tàng văn hóa, giàu bản sắc, được kết tinh qua hàng nghìn năm của dân tộc Tày trong đời sống văn hóa hiện nay. 

Bài, ảnh: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục