Phát huy vai trò của các tổ, đội văn nghệ quần chúng

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo cho các địa phương củng cố lại các tổ, đội văn nghệ quần chúng cơ sở sau khi sáp nhập, sắp xếp lại các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay 100% thôn, xóm, tổ dân phố có tổ, đội văn nghệ quần chúng, tương đương với 1.733 tổ, đội. Ngoài tổ, đội văn nghệ quần chúng ra toàn tỉnh còn có hàng trăm câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao cấp tỉnh, huyện, xã làm phong phú đời sống tinh thần nhân dân ở cơ sở.

Xã Yên Lập (Chiêm Hóa) phát huy vai trò của các đội văn nghệ quần chúng.

Đồng chí Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Lâm Bình cho biết, thông thường mỗi tổ, đội văn nghệ quần chúng cấp thôn thường có từ 10 đến 30 thành viên được lựa chọn kỹ. Nhóm sẽ bầu ra tổ trưởng, đội trưởng, tổ phó, tổ phó sinh hoạt định kỳ theo tuần, tháng. Đây là những hạt nhân văn nghệ nòng cốt đưa lời ca, tiếng hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước đổi mới, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc thiểu số, tạo không khí phấn khởi, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước. Tổ, đội văn nghệ hoạt động theo hình thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí để sinh hoạt, mua sắm trang phục, đạo cụ biểu diễn. Nhiều tổ, đội văn nghệ hoạt động tích cực, hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, du lịch của địa phương.

Từ khi xã Lăng Can (Lâm Bình) được công nhận thị trấn, nhiệm vụ phát triển du lịch homestay là trọng tâm, nên các tổ, đội văn nghệ ở đây cũng phải được kiện toàn, củng cố, đủ sức mạnh để hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị và hấp dẫn du khách. Tại thôn Nặm Đíp, chị Nguyễn Thị Tu mới đây được bầu làm tổ trưởng Tổ văn nghệ Vằng Dân, tên một con thác ở tổ dân phố. Chị Tu đã tập hợp được gần 20 anh chị em trong tổ dân phố để đưa ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Hướng chính của tổ văn nghệ là khai thác sâu vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc Tày địa phương. Tất cả trang phục, điệu múa, bài hát đều phảng phất về cội nguồn xưa. Theo chị Tu như vậy mới hấp dẫn được du khách. Vì về với cơ sở, du khách thích cái mộc mạc, giản dị, chân chất của bà con nơi đây.

Huyện vùng cao Na Hang mấy năm gần đây rất coi trọng việc phát huy vai trò các tổ, đội văn nghệ quần chúng. Hàng năm huyện đều tổ chức Liên hoan văn nghệ quần chúng cấp huyện, xã, liên xã, cụm nhằm giao lưu, thi  lấy giải, đánh giá lại phong trào. Đồng chí Nguyễn Thìn, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Na Hang cho rằng, qua các Liên hoan văn nghệ quần chúng là điều kiện tốt cho ngành Văn hóa - Thông tin huyện phát hiện ra những hạt nhân văn nghệ cơ sở. Để từ đó có công tác bồi dưỡng, tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc. Những thôn có trọng điểm về du lịch của huyện như Khau Tràng (Hồng Thái), Bản Bung (Thanh Tương), Nà Khá, Nà Vai (Năng Khả) cấp ủy, chính quyền đều vào cuộc để xây dựng các tổ, đội văn nghệ đạt chất lượng.

Đội văn nghệ thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú, Na Hang luyện tập hát Páo dung nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao.

Tại thôn Nà Đồn, xã Thanh Tương (Na Hang) Tết nguyên đán Quý Mão vừa qua đội văn nghệ thôn đã biểu diễn nhiều tiết mục hát, múa đặc sắc mừng Đảng, mừng Xuân. Đối với người dân Nà Đồn được xem những chương trình văn nghệ chuyên nghiệp là rất hiếm, không nhiều, hoạt động của các tổ, đội văn nghệ quần chúng “cây nhà lá vườn” vẫn là món ăn tinh thần chủ đạo. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Thẩm làm cố vấn cho đội văn nghệ thôn Nà Đồn chia sẻ, từ trước đến nay thì hầu như thôn nào trong xã cũng có đội văn nghệ. Có thôn phong trào mạnh, có thôn chưa mạnh. Nhưng thời gian gần đây việc đổi mới của đội văn nghệ ông Thẩm thấy có chuyển biến rõ nét. Vai trò người đứng đầu đội văn nghệ được chú trọng, nội dung đi vào hoạt động cụ thể, mang đậm bản sắc địa phương. Đối với Nà Đồn chủ công vẫn là tiếng đàn Tính, lời Then. Song lời Then đa dạng cả lời cổ và lời mới, có nhiều bài hát mới đi vào lòng công chúng.

Ông Trần Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Tuyên Quang khẳng định, để nâng cao chất lượng các tổ, đội văn nghệ quần chúng, trước hết cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác văn hóa, văn nghệ ở mỗi địa phương. Có cơ chế khuyến khích các tổ, đội văn nghệ, nghệ nhân dân gian hoạt động, truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Mỗi tổ, đội văn nghệ quần chúng cần có định hướng cụ thể, xây dựng được chương trình hoạt động phù hợp với đặc thù địa phương. Thời gian tới, Trung tâm đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn cho các hạt nhân văn nghệ cơ sở; tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn nhằm tạo sân chơi cho các hạt nhân văn nghệ quần chúng ở cơ sở thể hiện.

 Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục